“Tập trung điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản cũng như đa dạng sinh học ở vùng khơi, vùng lộng, vùng bờ nhằm đánh giá lại thực trạng thủy sản. Từ đó, tham mưu cấp có thẩm quyền cơ cấu lại nghề cho phù hợp, cơ cấu lại đội tàu khai thác trên các vùng biển”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết như trên khi nói về một trong những giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần vào chống khai thác IUU.
Ngư dân Nguyễn Đức Huân đan lưới, sửa ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến biển mới. |
Giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ
Vừa trở về từ chuyến biển sáu ngày không như kỳ vọng, ngư dân Nguyễn Đức Huân (41 tuổi, ngụ khối phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) lại cùng vợ miệt mài đan lưới, sửa ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến biển mới.
“Mùa biển năm nay sản lượng giảm khoảng 30%-40% so với các năm trước, có chuyến chỉ đủ tiền dầu. Dù vậy ngư dân chúng tôi không vì thế mà bỏ biển” - anh Huân nói.
Nhiều năm đi bạn cho các chủ tàu khác nhau, năm 2020, anh Huân bàn với vợ tham gia gói hỗ trợ vay vốn cho ngư dân tỉnh Quảng Trị sắm chiếc tàu dài hơn 6 m, hành nghề lưới rê đáy (lưới bùng nhùng) để tăng thu nhập cho gia đình.
Bên trong căn nhà chưa sơn tường, anh Huân mong mỏi mùa biển năm nay sẽ khấm khá để gia đình có tiền sơn nhà đón Tết. “Tàu mình nhỏ nên chỉ được hỗ trợ vay 100 triệu đồng với lãi suất khoảng 5%/năm. Nếu Nhà nước giảm thêm lãi suất, giãn thời gian trả nợ thì gia đình thêm yên tâm vươn khơi, bám biển” - anh Huân chia sẻ.
Tàu thuyền cập cảng sau mỗi chuyến ra khơi. Ảnh: QUỐC VŨ |
Ngư dân Võ Văn Hùng (53 tuổi, ngụ khối phố 7) sở hữu con tàu dài hơn 15 m, công suất 410 CV. Trước năm 2017, tàu của ông Hùng đánh bắt cá thu vùng lộng, sau này tuân thủ quy định chống khai thác IUU nên chỉ được đăng ký đánh bắt vùng khơi và chủ yếu là cá ngừ. Trong khi đó, chi phí cho một chuyến biển đi vùng khơi cao gấp nhiều lần so với đi vùng lộng, khiến cho những chủ tàu dài trên 15 m như ông Hùng thêm nhiều lo lắng.
“Mong các bộ, ngành liên quan có nghiên cứu bài bản, khoa học về ngư trường, sản lượng từng loài cá, mùa sinh sản… và công bố để chúng tôi nắm đúng thời điểm vươn khơi, đánh bắt chỗ nào cho nguồn lợi cao nhất. Có như vậy chúng tôi mới vừa yên tâm bám biển vừa gìn giữ, bảo vệ ngư trường” - ông Hùng mong mỏi.
Người dân mua bán cá ở khu vực cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Ảnh: TẤN VIỆT |
Khai thác đúng mùa vụ, ngư trường
Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho hay tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 đạt gần 36.000 tấn, đạt 102% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 27.000 tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 9.000 tấn.
Theo ông Thặng, đơn vị luôn khuyến khích ngư dân khai thác biển đúng mùa vụ, ngư trường. Ngư dân cũng cần sử dụng, khai thác hiệu quả thông tin từ bản tin dự báo ngư trường, bản tin khí tượng thủy văn, thông tin hàng hải… Đầu tư nâng cấp tàu cá, ngư lưới cụ, máy móc hiện đại phục vụ cho khai thác hải sản trên biển. Qua đó thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU.
Cửa biển ở Quảng Trị nhìn từ trên cao. Ảnh: QUỐC VŨ |
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cũng khuyến nghị các địa phương hướng dẫn người dân đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như thu mua sản phẩm; cung cấp dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để giảm chi phí nhiên liệu, giúp các tàu cá tăng thời gian bám biển, tăng sản lượng đánh bắt.
Ông Thặng khẳng định tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng mô hình áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khai thác thủy sản như áp dụng máy dò chụp trên tàu cá nghề lưới vây, lưới chụp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng, tạo thuận lợi cho các tàu cá khi cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản…
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị. Ảnh: QUỐC VŨ |
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền hỗ trợ ngư dân chuyển đổi những nghề khai thác xâm hại sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường. Gắn khai thác thủy sản kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, gắn đánh bắt theo tổ đội kết hợp với chế biến, tiêu thụ.
Ông Vinh cho hay Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai các chính sách phát triển khai thác xa bờ, hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu khai thác xa bờ.
“Phải kịp thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân, các chủ tàu vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, chống khai thác IUU có hiệu quả, phấn đấu cùng 28 tỉnh, thành ven biển cả nước gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC)” - ông Vinh nói.
Ba giải pháp giúp Quảng Trị thúc đẩy kinh tế ven biển
Quảng Trị đang đẩy mạnh đánh bắt thủy sản và nuôi trồng vùng bờ một cách an toàn, bền vững cũng như khai thác những tiềm năng, lợi thế về biển.
Trong đó, cần đảm bảo sinh kế cho ngư dân bằng việc sản xuất ở vùng bãi ngang ven biển như nuôi trồng, tham gia vào các chuỗi sản xuất chuyên nghiệp. Phát triển các ngành nghề dịch vụ đã được định hướng hỗ trợ, đồng thời sẽ có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trong khai thác thủy sản.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế ven biển, Quảng Trị đã đề ra ba giải pháp cụ thể. Thứ nhất, xác định phát triển du lịch ven biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Thứ hai, đánh bắt thủy sản truyền thống. Thứ ba, nuôi trồng kết hợp sản xuất, chế biến trên bờ để tạo thêm sinh kế cho ngư dân...
Ông HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
---------
Hôm nay, “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với Quảng Trị
Tiếp nối thành công từ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” ở huyện Cần Giờ, TP.HCM; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Ninh Thuận, hành trình tiếp theo, chương trình sẽ đến với bà con ngư dân tỉnh Quảng Trị vào hôm nay (20-7).
Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (chủ tịch danh dự của chương trình); đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; Hội Nghề cá Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Chương trình còn có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh; đại diện các huyện ủy, UBND các huyện và đông đảo bà con ngư dân tỉnh nhà.
Tại đây, Ban Tổ chức chương trình sẽ có nhiều hoạt động có ý nghĩa. Cụ thể, thăm hỏi, động viên các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên thoát nghèo, tuân thủ tốt việc đánh bắt hải sản trên biển tại huyện Gio Linh.
Chương trình “Đáp lời ngư dân” được phát trực tiếp từ hai đầu cầu Quảng Trị và TP.HCM với những trao đổi thú vị về đời sống, những mong muốn, khát vọng của bà con ngư dân tỉnh Quảng Trị.
Ban Tổ chức cũng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng 100 bộ quà tặng cho ngư dân (gồm bình ắcquy, đèn LED, combo pin Con Ó cùng túi thuốc chống nước với những loại thuốc cần thiết và một thùng mì ăn liền). Cùng đó, Ban Tổ chức còn trao tặng 200 cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” (do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên) cho ngư dân địa phương.
Chương trình còn phối hợp với báo Người Lao Động, tạp chí Tri Thức trực tuyến, Công ty CP Pin ắcquy miền Nam PINACO trao tặng 50 suất học bổng cho con em ngư dân tỉnh Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.
Nhân dịp này, báo Tuổi Trẻ cũng tặng năm suất học bổng tiếp sức đến trường cho con em huyện Gio Linh, mỗi suất trị giá 15 triệu đồng. Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng chương trình trao tặng 50 suất quà đến các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Quảng Trị (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng).
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật cho bà con ngư dân khi đánh bắt, khai thác trên biển; góp phần thực hiện kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng đã ban hành; phát triển ngành thủy sản Việt Nam ngày càng bền vững hơn.
Đồng thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, nâng cao đời sống của bà con ngư dân. Tuyên truyền cho ngư dân và cộng đồng xã hội về lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo, khơi dậy tình cảm, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nguồn sinh sôi từ biển cả.
Đại sứ của chương trình là Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh. Dự kiến chương trình được tổ chức tại 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước trong ba năm, từ nay đến năm 2025.