'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' rất thiết thực

(PLO)- Những món quà mang nhiều ý nghĩa thực tiễn và nhân văn từ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ giúp bà con vươn khơi ấm áp và đúng luật hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 14-6, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã trao 200 phần quà tặng và hàng chục suất học bổng đến bà con ngư dân và các học sinh của tỉnh Ninh Thuận.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Danh dự Chương trình, trao học bổng cho các em học sinh là con em ngư dân, vượt khó, học giỏi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Danh dự Chương trình, trao học bổng cho các em học sinh là con em ngư dân, vượt khó, học giỏi.
Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đến tham dự chương trình có ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Chủ tịch danh dự chương trình; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; cùng đại diện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, đơn vị, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, ban tổ chức chương trình cùng đông đảo bà con ngư dân tỉnh Ninh Thuận.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đang trao các phần quà có ý nghĩa thiết thực của chương trình đến ngư dân Ninh Thuận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đang trao các phần quà có ý nghĩa thiết thực của chương trình đến ngư dân Ninh Thuận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Sẽ nỗ lực hơn nữa để đến nhiều hơn với ngư dân

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho hay: Vào tháng 4-2023, báo Pháp Luật TP.HCM đã ra mắt chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”. Chương trình nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật trong quá trình tham gia đánh bắt và khai thác thủy sản, góp phần thực hiện kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam. Cùng với đó, chương trình cũng khích lệ, động viên ngư dân bám biển và gìn giữ chủ quyền biển, đảo. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra ở 28 tỉnh, TP có biển, trong ba năm từ nay đến năm 2025.

Sau lễ ra mắt, chương trình đã tổ chức trao 200 phần quà tại TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chương trình cũng đã tổ chức tọa đàm pháp lý có quy mô lớn ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với chủ đề “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”. Tọa đàm đã thảo luận đưa ra nhiều giải pháp mang tính thực tiễn cao, góp phần tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt.

“Những kết quả bước đầu đã góp phần tiếp thêm động lực để ban tổ chức chương trình nỗ lực hơn nữa, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.”

Phó Tổng biên tập Nguyễn Thái Bình, Trưởng ban tổ chức chương trình

Phát huy hiệu quả thiết thực của tọa đàm pháp lý “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ban tổ chức chương trình cũng đã trao đổi với tỉnh Phú Yên để tiếp tục tổ chức một hội thảo cũng xoay quanh các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt.

“Những kết quả bước đầu trên đã khẳng định sức lan tỏa của chương trình, đồng thời góp phần tiếp thêm động lực để ban tổ chức chương trình nỗ lực hơn nữa hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra” - ông Bình nhấn mạnh.

Tại Ninh Thuận, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao quà cho 200 hộ gia đình ngư dân tại tỉnh nhà, đồng thời thăm hỏi, động viên, tặng quà cho một số hộ ngư dân đặc biệt khó khăn. Chương trình cũng trao hàng chục suất học bổng cho các học sinh là con em ngư dân đặc biệt khó khăn. Cùng với các hoạt động trên, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã phối hợp với Phòng khám đa khoa Ngọc Minh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.000 người dân ở hai xã Cà Ná và Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.

Chương trình nhân văn và có ý nghĩa thực tiễn

Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Trên địa bàn tỉnh có bốn huyện, TP ven biển với gần 18.000 lao động ngư nghiệp có kinh nghiệm; toàn tỉnh hiện có 2.270 tàu cá thường xuyên khai thác hải sản trên các vùng biển.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương, các cấp, các ngành của tỉnh đã vào cuộc, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản.

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động của Thủ tướng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Từ đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác thủy hải sản lạm sát, quản lý chặt chẽ tàu cá, ban hành quy chế phối hợp giữa các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khai thác thủy hải sản…

Ngư dân mong được hỗ trợ nhiều hơn

Giao lưu tại chương trình, ngư dân Nguyễn Thoại (ngụ thôn Mỹ Tân 2, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) đã chia sẻ về những khó khăn thường gặp trong quá trình đánh bắt, khai thác hải sản. Ông Thoại cho hay hầu hết bà con nơi đây đều đi biển và thường đi câu cá bằng ghe nhỏ, không đi xa được nên chỉ có thể đi gần bờ, vì thế cá câu được cũng ít.

Ông bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vốn để bà con có thể mua sắm ghe to, đi đánh bắt xa bờ, từ đó giúp tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, lúc gặp biển to, sóng lớn, nếu có thuyền lớn ngư dân cũng hạn chế gặp sự cố hơn.

“Chúng tôi vươn khơi, bám biển luôn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Không phải chuyến biển nào cũng câu được cá. Nếu có cá thì giá cả cũng bấp bênh dẫn đến thu nhập của bà con ngư dân cũng bấp bênh theo. Tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ để ngư dân chúng tôi đỡ vất vả, có thể yên tâm vươn khơi, bám biển” - ông Thoại nói.

Nhờ đó, nhận thức của ngư dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, khai thác hải sản kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.

“Những năm qua không có tàu cá tỉnh Ninh Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Điều đó đã góp phần cùng cả nước tham gia tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam” - ông Hậu nhấn mạnh.

Theo ông Hậu, từ những phần quà có giá trị thực tiễn và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, ông tin tưởng và mong mỗi bà con ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên biển cũng là một chiến sĩ, mỗi con tàu ra khơi là một “cột mốc chủ quyền”. Tất cả góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.•

Ông PHAN XUÂN THỦY, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

Tôi đánh giá cao chương trình báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” là một chương trình rất có ý nghĩa với các hoạt động thiết thực dành cho ngư dân như khám bệnh, phát thuốc; trao học bổng cho con em hiếu học, đặc biệt là việc trao tặng các phương tiện như bình ắcquy, đèn LED, túi thuốc, cẩm nang về Luật Biển…

Tôi đánh giá cao việc báo đã soạn thảo cuốn cẩm nang về Luật Biển để giúp ngư dân dễ đọc, dễ hiểu, nhận biết được vấn đề đánh bắt hải sản đúng pháp luật, không vi phạm luật pháp quốc tế, để ngư dân vươn khơi hiểu luật, sớm gỡ thẻ vàng IUU.

Cùng với đó, chương trình nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành. Điều này cho thấy sự lãnh đạo của các cơ quan chức năng trong việc nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU, đưa pháp luật đến gần hơn với ngư dân bằng những hoạt động rất dân sinh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận PHẠM THỊ BÍCH HÀ:

Nỗ lực tuyên truyền để ngư dân nắm luật, hiểu luật

Các hoạt động của chương trình như khám bệnh, phát thuốc cho bà con hai xã Cà Ná và Phước Diêm (huyện Thuận Nam) đã giúp ngư dân hiểu hơn về sức khỏe, cách chăm sóc của bản thân để tiếp tục vươn khơi. Bởi thực tế có rất nhiều ngư dân ốm đau nhưng lại không dám đến bệnh viện để khám. Những phần quà mà báo dành tặng cho các ngư dân thực sự rất thiết thực. Bà con ngư dân rất phấn khởi. Những hoạt động này đã động viên tinh thần bà con rất lớn để tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Tỉnh Ninh Thuận cũng luôn xác định kinh tế biển là nền kinh tế mũi nhọn. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực tuyên truyền để ngư dân nắm luật, hiểu luật, có ý thức trong việc đánh bắt để vừa mưu sinh vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mặt khác, việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đánh bắt của ngư dân còn có ý nghĩa trong việc góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm