Trên cánh đồng vốn có đến 600 gốc quất cảnh của bà Lợi tại xã Đông Hoà, nay chỉ còn hơn một nửa do cây bị chết.
Quất cảnh không còn quả, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Vừa thu gom những gốc quất cảnh chết để tránh lây lan bệnh nấm cho những cây còn lại, bà Lợi không khỏi lo lắng về việc năm nay sẽ không thể đón Tết.
Bà Lợi cho biết gia đình vốn có hai sào (360m²/sào), tuy nhiên có thuê thêm hai sào khác để trồng quất cảnh phục vụ dịp Tết. Trận mưa lớn vào tháng 8 âm lịch vừa qua khiến vườn bị ngập, cây héo lá rồi rụng quả hàng loạt.
Dù đã tập trung thoát nước, phun thuốc để cứu nhưng cánh đồng quất của bà vẫn chết, hỏng khoảng 200 cây quất cảnh. Không chỉ vậy, gần 100 gốc đào được bà trồng thêm cũng bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Tình trạng cây chết hàng loạt do trận mưa lớn hồi tháng 8 âm lịch không chỉ xảy ra tại mỗi nhà bà Lợi mà còn ở nhiều hộ gia đình khác tại nơi vốn coi là thủ phủ trồng quất cảnh Tết ở Thái Bình.
Trên cánh đồng thuộc thôn Trần Phú, xã Đông Thọ, vườn quất cảnh của nhà ông Phúc rơi vào tình trạng cây còn, cây mất. Ông Nguyễn Văn Bát, anh trai ông Phúc nói rằng em trai mình đang tranh thủ đi phục vụ rạp đám cưới ở xã khác nhằm bù đắp thiệt hại cho vườn cây quất cảnh, còn ông thì ‘tiếc của’, cố gắng chăm sóc cho số ít những cây quất cảnh không bị rụng quả còn lại với hy vọng gỡ gạc được chút nào hay chút đó.
Ông Bát cho biết, sau những trận mưa lớn hồi tháng 8 âm lịch, quất cảnh ra quả đồng loạt bằng ngón tay, sau đó các quả dần dần bị đen đi, bị ủng, rụng hàng loạt. Cả vườn rộng sáu sào, có khoảng 500 gốc quất thì cũng chết đến một nửa.
“Hằng năm, nhà vườn của em trai tôi vẫn cung cấp ra thị trường khoảng 500 gốc quất mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay cũng do những trận mưa lớn mà cây bị ngập úng, héo. Nhiều cây vẫn xanh nhưng rụng hết quả. 500 gốc quất nay chỉ còn khoảng một nửa, thiệt hại cũng phải vài trăm triệu. Đã có kinh nghiệm 20 năm trồng cây nhưng tôi thấy chưa năm nào thiệt hại nặng như năm nay” – ông Bát nói.
Lo lắng "mất" Tết
Bà Lợi nói, nghề trồng cây phục vụ cho dịp Tết phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cây quất ra đúng quả vào dịp Tết, bán được giá cao. Còn những năm không thuận lợi, cây chết nhiều buộc nhổ bỏ để khỏi lây bệnh sang cây khác. Những cây phục hồi được thì cắt tỉa chăm sóc lấy gốc để phục vụ cho dịp Tết năm sau.
“Giờ chỉ mong những cây còn lại khoẻ mạnh, sẽ bán được với giá cao để vớt vát lại phần nào, chứ không thì đúng là mất Tết” – bà Lợi trăn trở.
Ông Dương Thuỷ Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa cho biết, cả xã có khoảng 300 hộ trồng quất với tổng diện tích khoảng 80 hecta. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, địa phương cung cấp lượng lớn quất cho thị trường Thái Bình nói riêng và các tỉnh, thành lân cận nói chung. Tuy nhiên, năm nay, nhiều nhà vườn đều bị thiệt hại ít nhất 1/3 vì quất rụng quả sớm.
"Đợt mưa lớn hồi tháng 8 âm lịch đã gây thiệt hại khoảng 20% tổng diện tích trồng quất của xã. Địa phương cũng đã thống kê những hộ bị thiệt hại để báo cáo cấp trên và động viên các hộ gia đình tập trung chăm sóc những cây còn khỏe để nhằm bán gỡ gạc vốn liếng đã đầu tư." - ông Chung nói.
Đối với xã Đông Thọ, ông Hà Minh Tình, chủ tịch UBND xã nói rằng chính quyền cũng đã động viên các hộ gia đình cố gắng chăm sóc các cây còn lại thật tốt để bán ra thị trường. Theo ông Tình, cũng bởi thiệt hại nặng nề từ các hộ gia đình, lượng cây đẹp phục vụ Tết năm nay không còn nhiều, giá sẽ tăng khoảng 30% so với năm trước.
Những ngày này, nhiều chủ vườn đang tập trung cắt bỏ quả chín, cành để cứu những cây quất còn lại. Nhiều thương lái cũng bắt đầu tìm đến ‘thủ phủ’ này xem, đặt cọc trước để mua cây.
"Giờ chỉ cố gắng chăm sóc những cây quất còn lại thật tốt, hy vọng thương lái mua lại được với giá cao để còn bù lại cho những cây bị chết. Quất trồng cả năm, đến lúc gần cho thu hoạch thì bị rụng quả khiến bao công sức của người nông dân như đổ xuống sông, xuống bể." - ông Bát kỳ vọng.