Quốc hội cần ra nghị quyết riêng về biển Đông?

Phiên họp Quốc hội (QH) sáng 19-6, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thay vì phát biểu thảo luận dự án Luật Căn cước công dân, ông dành thời gian nêu ý kiến đề nghị QH trong kỳ họp này cần phải ra một nghị quyết về biển Đông. Ông Nghĩa cho rằng cần phải có nghị quyết ấy để tuyên bố với nhân dân Trung Quốc (TQ) và nhân dân thế giới lập trường chính nghĩa của Việt Nam, lên án hành vi sai trái của TQ trên biển Đông, vạch trần âm mưu “vừa đấm vừa xoa”, “vừa đánh vừa đàm”… của TQ.

Cần động thái mạnh mẽ hơn từ QH

Theo ĐB Nghĩa, cần phải để nhân dân ta, nhân dân toàn thế giới không bị đánh lừa bởi TQ, chỉ rõ TQ nói một đằng làm một nẻo. “Họ đặt giàn khoan đã gần hai tháng nay mà họ lại nói đảng, nhà nước TQ vẫn tôn trọng tình hữu nghị, rồi vì đại cục… Họ vẫn nói như là chưa có cái giàn khoan phi pháp đang nằm đó. Ta không chấp nhận lối lập luận và thái độ kiểu đó” - ông Nghĩa khẳng khái.

Trước thông tin TQ đang kéo giàn khoan thứ hai vào biển Đông và đang mở rộng bãi Gạc Ma đã chiếm của Việt Nam năm 1988, ông Nghĩa cho rằng điều đó càng chứng minh rõ mưu đồ của TQ. “Hành vi đó của TQ là nằm trong hệ thống, chắc chắn sẽ tiếp tục và liên tục. Điều đó đang làm an ninh của khu vực bị đe dọa” - ông Nghĩa cho rằng TQ sẽ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để kiểm soát biển Đông, chi phối tự do hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tác động vào lợi ích của các quốc gia khác để phục vụ cho mưu đồ bá quyền ở khu vực này.

Thuyền trưởng Đinh Gia Thuân của tàu kiểm ngư 635 - là một trong những tàu có mặt đầu tiên tại thời điểm TQ hạ đặt trái phép giàn khoan để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trên tinh thần đó, theo ông Nghĩa, mọi người (người dân trong nước lẫn dư luận quốc tế) vẫn đang chờ đợi những động thái mạnh mẽ hơn của QH. “Vấn đề chủ quyền nghiêm trọng như vậy mà về phía QH mới chỉ thể hiện qua lời phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, sau đó là Thông cáo số 2 của QH là chưa đủ. QH cần phải có một văn bản pháp lý như nghị quyết mới đáp ứng được tình hình” - ông Nghĩa nói.

Ra nghị quyết riêng sẽ cần nhiều thủ tục, thời gian?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều cùng ngày về ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, cho biết việc QH ra một nghị quyết sẽ đòi hỏi một quy trình phức tạp.

“Theo luật định, đầu tiên sẽ phải xây dựng đề án, rồi ra dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan. Cơ quan dự thảo thống nhất rồi thì đến khâu thẩm tra. Sau đó mới trình để QH thảo luận, tiếp thu ý kiến thảo luận, hoàn thiện tiếp, rồi QH mới thông qua được” - ông Hằng giải thích.

Ông Hằng cho rằng QH đã có những phản ứng thích hợp. “Lời khai mạc phiên họp của chủ tịch QH đã là tuyên bố rất mạnh. Tới thông cáo của QH còn mạnh hơn. Tiếp đó QH thông qua Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành các biện pháp vận động QH các nước ủng hộ lập trường của Việt Nam, lên án TQ... Tất cả phát biểu, tài liệu ấy đều là văn kiện chính thức của QH”.

ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cũng cho rằng QH chưa cần thiết phải ra một nghị quyết riêng về biển Đông lúc này.

“Đây là việc lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà xong. QH ra nghị quyết cũng không phải giải quyết ngay được. Hơn nữa, cũng nên để dư địa mà đấu tranh. Đến khi tình hình căng thẳng, nghiêm trọng hơn QH hẵng ra tay”.

Theo ông Thảo, kỳ họp QH này, vấn đề biển Đông không chỉ được đề cập trong phát biểu khai mạc của chủ tịch QH và bản thông cáo sau đó mà còn được thảo luận nhiều.

Đã lồng ghép vào các nghị quyết khác

“QH đã thảo luận về các khía cạnh kinh tế-xã hội của vụ việc, về ảnh hưởng của nó tới tình hình thu chi ngân sách và kinh tế từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, QH đã thảo luận, quyết định cân đối ngân sách 2013 để lấy 16.000 tỉ đồng đầu tư cho cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân... Tất cả nội dung ấy được thể hiện trong các nghị quyết của QH đã được thông qua. Và tới đây sẽ được thể hiện trong phát biểu bế mạc của chủ tịch QH” - ông Thảo nói.

Vậy với những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ quốc gia thì lúc nào QH cần ra nghị quyết? Ông Thảo phân tích trước đây ngay cả khi đàm phán phân định biên giới trên bộ và phân giới vịnh Bắc Bộ, QH cũng không ra nghị quyết định hướng, chỉ đạo với Chính phủ. Lúc đó Chính phủ chủ động tiến hành các giải pháp, bước đi, đàm phán với TQ để đi đến hiệp định. Khi có kết quả cuối cùng, Chính phủ báo cáo với QH, trên cơ sở đó QH thay mặt nhân dân phê chuẩn hiệp định.

Còn với các vấn đề biển Đông, theo ông Thảo, nếu quyết định phải sử dụng giải pháp pháp lý, kiện TQ ra tòa án quốc tế thì có lẽ lúc đó Chính phủ cần báo cáo QH.

“Đây là vấn đề quốc gia đại sự, phức tạp, nhạy cảm, có thể dẫn tới những hậu quả về kinh tế, ngoại giao. QH thay mặt nhân dân chất vấn Chính phủ xem chuẩn bị kỹ càng chưa, chắc chắn không... Phải thảo luận đi đến đồng thuận rồi Chính phủ mới chính thức khởi kiện” - ông Thảo nhận định.

NGHĨA NHÂN - BÌNH MINH

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng nội dung nghị quyết cần có mấy điểm:

Thứ nhất, QH Việt Nam phải nói rõ chúng ta có lập trường chính nghĩa ở Trường Sa và Hoàng Sa vì vừa rồi TQ “tung ra” thế giới, kể cả ở Liên Hiệp Quốc những nội dung sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy chúng ta phải có lời đáp lại một cách chính thức từ cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là QH.

Thứ hai, nghị quyết phải lên án hành vi sai trái của TQ, hành vi chiếm Hoàng Sa cùng một số bãi đá ở Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam đi ngược lại với luật pháp quốc tế, với những điều đã cam kết, tuyên bố với Việt Nam và các nước ASEAN. TQ thể hiện ý định không từ bỏ âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò vô lý, mưu toan độc chiếm biển Đông chứ không chỉ là khai thác dầu khí, làm ảnh hưởng tự do hàng hải và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc đặt giàn khoan vừa qua là một bước đi trong tiến trình thực hiện âm mưu lâu dài hơn thế.

Thứ ba, trong tuyên bố của QH cần khẳng định tình hữu nghị của Việt Nam với nhân dân TQ; chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Việt Nam thực thi mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có việc tiến hành khởi kiện TQ về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực.

BÌNH MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm