Quốc hội tranh luận kịch liệt về giảm giờ làm

Ngày 23-10, Quốc hội (QH) dành một ngày thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự kiến bộ luật này sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp, tuy nhiên trong ngày thảo luận các đại biểu (ĐB) QH vẫn còn có ý kiến khác nhau về nhiều vấn đề lớn.

Giảm giờ làm sẽ gây khó cho doanh nghiệp

Nội dung gây nhiều tranh luận nhất liên quan đến quy định về giờ làm việc của người lao động. Trong khi một số đại biểu đề nghị người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần thì cũng có ý kiến đề nghị nên giữ như hiện hành là 48 giờ/tuần, khuyến khích làm việc ít hơn 40-44 giờ/tuần.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng quy định về giờ làm việc như hiện hành là “phù hợp và rất nhân văn”, “hợp lý, hợp tình”.

“Hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ/tuần” - ông Lộc nói. Ông cho rằng chúng ta vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo và mới là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp, năng suất lao động thậm chí còn đang thấp nhất trong khu vực. Do đó, việc chúng ta áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp…

Ông Lộc cũng nhấn mạnh việc giảm thời gian lao động sẽ làm “suy giảm cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất với tương lai nền kinh tế Việt Nam”.

Theo ông, giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương, chậm lại kế hoạch tăng lương cho người lao động. Giảm thời gian lao động đồng nghĩa với việc giảm thu nhập, giảm giờ làm gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng gián tiếp sẽ làm giảm sản lượng, kim ngạch xuất khẩu…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Giảm giờ làm là tiến bộ, là nhân văn

Ngay sau đó, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (ĐBQH TP.HCM) giơ biển xin tranh luận. “Tôi không biết ĐB Vũ Tiến Lộc vin vào đâu để nói rằng chính sách này trong Bộ luật Lao động sẽ hợp lý, nhân văn” - bà mở đầu.

“Nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê. Có người mẹ, người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí một, hai năm chưa được về thăm con? Có những ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm việc…” - bà Quyết Tâm nghẹn ngào nói và cho rằng những người lao động như thế họ không tự nguyện mà buộc phải làm thêm để có thu nhập.

Bà Quyết Tâm sau đó đề nghị QH cần phải có chính sách để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ để học tập, nâng cao tay nghề, chăm sóc bản thân, gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. “Đó là quyền con người được hiến pháp quy định” - bà Tâm nhấn mạnh. “Sự tiến bộ của xã hội ở đâu khi chúng ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động. Chúng ta giảm còn 44 giờ có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm và sẽ tăng thu nhập. Đó là tiến bộ, nhân văn cũng là ở đó” - bà Tâm nói.

Làm thêm 300 giờ/năm, tức mỗi tuần người lao động sẽ làm thêm 6 giờ, mỗi ngày làm thêm 1 giờ. Một ngày làm việc 9 tiếng, làm quanh năm, suốt tháng như vậy thì người lao động có khỏe không?

ĐBQH, Bí thư Thành ủy TP.HCM  NGUYỄN THIỆN NHÂN 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và đại biểu Vũ Tiến Lộc tranh luận về giảm giờ làm. 

Tuổi hưu: Nữ 58, nam 62

Một vấn đề khác gây nhiều tranh luận là quy định về tuổi nghỉ hưu. ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng cùng với tinh giản biên chế, tăng tuổi hưu đồng nghĩa với tăng thất nghiệp, từ đó sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Ông Vượt đề nghị QH khi quyết định tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến yếu tố đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. “Tôi đề nghị đối với công nhân lao động, chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58” - ông Vượt nói.

ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cũng đề nghị mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo bà, nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ hiện nay rất lớn, nguyện vọng của một số bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc và nhiều DN không muốn sử dụng lao động lớn tuổi. Hơn nữa, tuổi càng cao năng suất lao động cũng giảm mà phải trả lương cao do thâm niên làm việc.

ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thống nhất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung nhưng băn khoăn về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ. Ông đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và nữ là 58. Đồng tình với ý kiến của ĐB Phú Yên, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) còn đề nghị cần quy định rõ hơn về quyền nghỉ hưu trước tuổi của người lao động, gắn liền với đó là đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội.

Tăng năng suất lao động: Đổi mới công nghệ, giảm giờ làm

Phát biểu tại nghị trường, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm: Giảm giờ làm để cho người lao động có thời gian chăm lo cho hạnh phúc gia đình. Theo ông Nhân, nếu quy định tăng giờ làm thêm thì trong ngắn hạn doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập nhưng hậu quả là sức khỏe người lao động giảm sút. Đồng thời làm thêm giờ thì năng suất lao động không tăng.

“Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9-10 giờ, quanh cả năm ngày nào cũng làm như vậy thì không thể có gia đình hạnh phúc” - ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng bản chất của vấn đề tăng năng suất là phải đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động chứ không phải nằm ở việc “tăng giờ làm việc”. “Điều đó ai cũng thấy. Mục tiêu đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm” - ông nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới