Quốc hội tranh luận sôi nổi đổi tên CCCD thành thẻ căn cước

(PLO)- Tại nghị trường Quốc hội, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc đổi tên “thẻ CCCD” thành “thẻ căn cước” và đề nghị nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-10, theo nghị trình, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Căn cước.

Không làm phát sinh thủ tục, chi phí

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay Ủy ban Thường vụ QH nhất trí với đa số ý kiến đại biểu (ĐB) tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Cơ quan thường trực của QH cho rằng việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Tên gọi này cũng phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước, phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng chính phủ số, xã hội số. “Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo luật là phù hợp, bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân” - ông Tới nói và khẳng định “việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân”.

Quốc hội tranh luận sôi nổi đổi tên CCCD thành thẻ căn cước
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại phiên giải trình, làm rõ một số vấn đề của dự thảo Luật Căn cước. Ảnh: QH

Bên cạnh những ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo, một số ý kiến tại phiên họp đã bày tỏ băn khoăn về việc đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước. “Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm không cần thiết việc đổi thẻ” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói và cho biết bà sẽ chuyển lý do đến cơ quan soạn thảo.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho hay người dân rất phiền hà về chuyện thay đổi nay là thẻ CCCD, mai lại là thẻ căn cước. Giống như trước đây cấp CCCD không gắn chip, cách một tháng sau cấp CCCD có gắn chip. “Đây là vấn đề chúng ta phải cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện để đỡ tốn kém” - ông Hòa đề nghị.

Tranh luận việc phải đổi thẻ căn cước khi sáp nhập huyện, xã

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) băn khoăn về Điều 24 dự thảo quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Cụ thể, nữ ĐB đề nghị bỏ quy định về trường hợp cần cấp, đổi thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính. Theo bà, Luật CCCD hiện hành không quy định việc này, trừ khi cá nhân yêu cầu.

Mặt khác, hiện nay hầu hết các địa phương đều đang triển khai rà soát, xây dựng các phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích, dân số. “Số lượng các đơn vị thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 rất là lớn” - bà Thủy nói và lo ngại nếu bổ sung quy định trên tại dự thảo sẽ khiến số lượng rất lớn người dân phải đổi thẻ căn cước. Điều này sẽ tạo gánh nặng chi phí rất lớn, chưa kể chi phí về thời gian, công sức đi lại, các chi phí về dịch vụ phát sinh khác đối với người dân; làm gia tăng áp lực cho các cơ quan liên quan…

Thông tin thêm bà Thủy cho hay tại báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan nêu do thông tin thay đổi nên cần sửa đổi thông tin in trên thẻ căn cước. Giải pháp đưa ra là miễn lệ phí cấp đổi thẻ để hạn chế việc tác động đến lợi ích vật chất của công dân.

“Chi phí này nếu công dân không bỏ ra cũng là Nhà nước bỏ ra” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói và tính toán với đơn vị hành chính cấp huyện quy mô 100.000 dân, chi phí bỏ ra sẽ khoảng 5 tỉ đồng.

“Theo thông tin báo chí, TP Đông Sơn dự kiến được thành lập tại tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở nhập TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn có quy mô dân số khoảng 600.000 người, như vậy số chi phí phải bỏ ra rất lớn” - bà Thủy nói thêm.

Trao đổi về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng khi thay đổi các đơn vị hành chính, nếu không sửa đổi thông tin trên thẻ căn cước sẽ dẫn đến sự rắc rối cho chính người dân. “Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tính toán để làm sao đảm bảo các quyền lợi tốt nhất cho người dân” - ông Đức khẳng định.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Thanh Thủy nói giải pháp đơn giản nhất là bỏ thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước. Những thông tin này sẽ được sử dụng thông qua căn cước điện tử, thông qua các cơ sở dữ liệu. “Các thông tin về nơi cư trú này hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ căn cước cũng như trên định danh điện tử VNeID rất dễ dàng” - bà Thủy nói.

Không thể theo dõi người sử dụng thẻ căn cước có gắn chip

Trong phát biểu của mình, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Công an giải thích việc nhiều người dân lo ngại khi mang thẻ căn cước có gắn chip, thẻ căn cước điện tử, công an sẽ theo dõi biết được họ đi đến đâu, chỗ nào...

Giải đáp việc này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, QR Code và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được.

Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này.

“Chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào, không thể lợi dụng được những việc đó để theo dõi; cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp” - người đứng đầu ngành công an nói và cho rằng thông tin trên có thể do những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân.

Tài liệu dự án gửi đến quá muộn”

Cũng tại nghị trường sáng 25-10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho hay bà có hai điểm nuối tiếc, một trong số đó là tài liệu dự án gửi đến quá muộn. Tới chiều tối 24-10, các ĐBQH mới được tiếp cận báo cáo giải trình, tiếp thu cũng như dự thảo luật.

Đánh giá đây là dự án luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 triệu người dân Việt Nam và còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, bà Thủy cho rằng việc gửi tài liệu muộn khiến ĐB rất khó trong việc nghiên cứu để tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo.

w-p2+3-dai-bieu-nguyen-phuong-thuy.jpg
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) và ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu ý kiến tranh luận tại phiên họp ngày 25-10. Ảnh: QH

ĐB Phạm Văn Hòa cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần rút kinh nghiệm về việc gửi tài liệu chậm, bởi sẽ rất ít ĐB phát biểu nếu tình hình này không được cải thiện.

Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho hay trong điều kiện kỳ họp này rất nhiều nội dung, các cơ quan QH, Chính phủ cũng “vừa chạy vừa xếp hàng”. Ủy ban Thường vụ đã nhận khuyết điểm về vấn đề này tại phiên họp trù bị.

“Ngày 23-10, Chính phủ mới có văn bản về việc tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ QH” - ông Phương nói thêm và rất mong ĐBQH lượng thứ cho sự chậm trễ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm