ĐBQH tin rằng sau lấy phiếu tín nhiệm, nhiều trưởng ngành sẽ 'tự soi, tự sửa' để tốt hơn

(PLO)- Nhiều ĐBQH chia sẻ kết quả lấy phiếu tín nhiệm là dịp để các lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ "tự soi, tự sửa" để trở nên tốt hơn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-10, bên lề Quốc hội, nhiều ĐBQH đã chia sẻ cách nhìn đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Dịp để tự soi, tự sửa

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhận định đây là dịp để các chức danh lãnh đạo, thành viên Chính phủ nhìn lại mình và nỗ lực hơn nữa để đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

"Cũng có người tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao nhiều sẽ vui hơn, người tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thấp sẽ tâm tư. Tuy nhiên, nỗ lực của mình thì của cả nhiệm kỳ, không chỉ của cá nhân mà còn cả của ngành, lĩnh vực đó, và kết quả lấy phiếu không phải là giá trị được "đóng đinh". Do đó, tôi mong các thành viên được lấy phiếu, đặc biệt các thành viên Chính phủ tiếp tục nhìn về phía trước, thúc đẩy ngành, lĩnh vực mình đi lên" - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, ở nhiệm kỳ trước cũng có lãnh đạo nhận nhiều số phiếu tín nhiệm thấp, nhưng sau đó họ đã thay đổi và nhận được sự tín nhiệm cao trong các lần lấy phiếu tín nhiệm sau đó.

ĐBQH tin sau lấy phiếu tín nhiệm, nhiều trưởng ngành sẽ 'tự soi, tự sửa' để tốt hơn
Sáng 25-10, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý (Tây Ninh) khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy các ĐBQH đã “rất công tâm, khách quan, trách nhiệm” khi thay mặt cử tri, Nhân dân đánh giá mức độ tín nhiệm với những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cũng theo ĐB Thuý, một số "tư lệnh" ngành phụ trách các lĩnh vực khá nhạy cảm, phức tạp, có nhiều vấn đề "nóng" nhận mức tín nhiệm thấp hơn so với các trường hợp khác là điều khá hiển nhiên.

"Những lĩnh vực khó, nhạy cảm, phức tạp thì việc giải quyết tồn tại, hạn chế không phải ngày một, ngày hai được. Cho nên, còn một số thiếu sót nào trên lĩnh vực mình phụ trách thì việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là dịp để họ "tự soi", "tự sửa", nhìn nhận những vấn đề gì là đúng, nên đổi mới..." - ĐB Thuý nói.

Lấy phiếu tín nhiệm chặt chẽ, công tâm, khách quan

Ở góc độ khác, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhận định Quốc hội đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng đó là quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng bởi Văn phòng Quốc hội, đặc biệt chúng ta đã có những chuẩn bị về mặt tài liệu, văn bản và ra những quy định rất chặt chẽ” - ĐB nói và khẳng định các ĐBQH đã đánh giá “công tâm, khách quan và cũng rất sát với những lĩnh vực, nội dung" mà Nghị quyết 96 và pháp luật yêu cầu khi ghi phiếu tín nhiệm.

Về một số “tư lệnh” ngành, lĩnh vực nhận mức phiếu “tín nhiệm thấp” cao, ông An cho rằng đây là đòi hỏi của cử tri, người dân và các ĐBQH mong muốn các ngành đó phải nỗ lực nhiều hơn.

Kết quả này, theo ĐB An, sẽ tác động lan toả tới công tác điều hành kinh tế-xã hội, công tác cán bộ và đặc biệt là với khả năng điều hành của các tư lệnh ngành để chúng ta có kết quả tốt hơn từ nay tới cuối nhiệm kỳ.

lay-phieu-tin-nhiem3.jpeg
Sáng 25-10, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Còn ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng các chức danh nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì không còn cách nào khác là khắc phục những khó khăn, hạn chế của ngành mình.

Theo ông, mỗi ngành, lĩnh vực có những tồn tại, hạn chế riêng nên cần tự khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

“Tôi tin tưởng qua đợt lấy phiếu này, các Bộ trưởng, Trưởng ngành số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm còn thấp sẽ nâng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mình lên một bước, làm hài lòng người dân và ĐBQH hơn…” - ĐB Cừ chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm