Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình nội dung cải cách tiền lương trong năm 2023

(PLO)-  Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

“Quốc hội thống nhất đánh giá sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp”- nghị quyết vừa được thông qua nêu rõ.

Cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng: Xây dựng, TT&TT, Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ, cùng các thành viên khác của Chính phủ, Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn hôm 5-11. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn hôm 5-11. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý, với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ quan lập pháp cũng yêu cầu khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

“Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”- nghị quyết Quốc hội nêu. Đồng thời yêu cầu khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm.

“Tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm”- Nghị quyết của Quốc hội nêu.

Cơ quan lập pháp cũng đề nghị Chính phủ tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế.

“Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tăng cường tính công khai, thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào; xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp để thay thế việc thi thăng hạng”- Nghị quyết Quốc hội nêu.

Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương giải quyết tình trạng giao biên chế sự nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (như kiểm lâm, kiểm ngư, thanh tra giao thông…).

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu năm 2023 hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chú trọng dựa trên kết quả công việc. Cạnh đó, rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan về quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật...

Tại nghị quyết vừa được thông qua, cơ quan lập pháp nêu yêu cầu sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hợp lý và hiệu quả. Trong đó, nghiên cứu cơ chế khoán biên chế để bảo đảm linh hoạt, nhất là các địa phương có đông dân cư.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ xây dựng Đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.

“Thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức tại từng đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm không vượt quá số lượng tổng biên chế được giao”- nghị quyết nêu rõ.

Đặc biệt, Quốc hội cũng đề cập việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng và chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Tại nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu trong giai đoạn 2022 - 2026, Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72 của Bộ Chính trị. Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chính phủ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm