Hôm 20-7, Quốc hội Ai Cập đã thông qua luật cho phép triển khai quân ra bên ngoài đất nước. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đe dọa dùng hành động quân sự chống lại lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở nước láng giềng Libya, theo kênh Al Jazeera.
Hạ viện Ai Cập, trong đó có nhiều người ủng hộ Tổng thống El-Sisi, đã phê chuẩn kế hoạch sau một phiên họp kín.
Sự can thiệp của Ai Cập có thể tiếp tục gây bất ổn cho Libya và đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập vào tình trạng đối đầu trực tiếp. Ảnh: Mohamed Abd el-Ghany/REUTERS
Trong tuyên bố, Hạ viện Ai Cập nói rằng quân đội nước này có thể được triển khai bên ngoài đất nước nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trước những nhóm vũ trang tội phạm cùng các phần tử khủng bố nước ngoài ở “mặt trận phía tây”, song không nêu trực tiếp Libya.
Theo kênh Al Jazeera, động thái này có thể đưa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn ủng hộ các bên đối lập trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Libya – bước vào cuộc đối đầu trực tiếp.
Tuần trước, Tổng thống el-Sisi đe dọa Ai Cập – nước có chung biên giới phía tây với Libya - sẽ không ngồi yên nếu an ninh quốc gia bị đe dọa. Ông còn cảnh báo TP duyên hải chiến lược Sirte (Libya) là “lằn ranh đỏ”, nếu lực lượng chính phủ Tripoli tấn công nơi này sẽ dẫn tới sự can thiệp quân sự của Cairo.
Bà Stephanie Williams, quyền Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Libya hôm 20-7 kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để cứu 125.000 dân thường và chấm dứt sự vi phạm trắng trợn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, sau cuộc đàm phán ba bên được tổ chức ở Ankara giữa các quan chức Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Malta, Ankara yêu cầu chấm dứt ngay lập tức sự ủng hộ cho Nguyên soái Khalifa Haftar – chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Trước cuộc bỏ phiếu hôm 20-7 ở Ai Cập, Tổng thống el-Sisi đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông El-Sisi khẳng định với ông Trump rằng Ai Cập sẽ “ngăn chặn sự suy yếu an ninh hơn nữa ở Libya”.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì một lệnh ngừng bắn để tránh leo thang tình hình.
Cuộc chiến tranh ủy nhiệm phức tạp
Libya chìm vào nội chiến kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn.
Ai Cập, Nga cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ủng hộ ông Haftar, trong khi Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Qatar hậu thuẫn, theo kênh DW.
Với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA đã đặt dấu chấm hết cho cuộc tấn công đánh chiếm thủ đô Tripoli kéo dài 14 tháng của LNA. Đây là thất bại lớn cho ông Haftar, người tìm cách thống nhất Libya bằng vũ lực.
Kể từ khi giành lại Tripoli, lực lượng chính phủ tăng cường tiến về phía đông hướng tới TP Sirte, nằm cách biên giới Ai Cập 800 km. Sirte – quê hương cố lãnh đạo Gaddafi là cửa ngõ dẫn tới các cơ sở xuất khẩu dầu thô lớn nhất Libya.