Đà tiến quân của Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA - được quốc tế công nhận và đóng ở Tripoli) hiện dừng bên ngoài TP ven biển Sirte, một điểm chiến lược đi tới các mỏ dầu quan trọng của Libya và vẫn thuộc quyền kiểm soát của Nguyên soái Khalifa Haftar - chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tuyên bố TP Sirte và căn cứ Al-Jufra đại diện cho một lằn ranh đỏ. Nếu lằn ranh này bị vi phạm, lực lượng Ai Cập sẽ trực tiếp can thiệp vào Libya, Tổng thống Ai Cập cảnh báo.
Tổng thống Ai Cập dọa can thiệp quân sự
Hôm 20-6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cảnh báo rằng việc lực lượng Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nỗ lực tấn công TP chiến lược Sirte sẽ vượt “lằn ranh đỏ” và dẫn tới sự can thiệp quân sự trực tiếp của Ai Cập, theo trang tin Daily Sabah.
Ông El-Sisi nói rằng Ai Cập có thể can thiệp quân sự vào nước láng giềng Libya với mục đích bảo vệ biên giới phía tây.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Ảnh: AP
Ông El-Sisi cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào TP Sirte hay căn cứ không quân Jufra của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo chẳng khác nào là vượt “lằn ranh đỏ”.
“Hãy dừng lại ở chiến tuyến (hiện tại) này và bắt đầu đàm phán để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya”, Tổng thống Ai Cập kêu gọi.
Ông El-Sisi phát biểu như vậy khi thị sát các đơn vị không quân và biệt kích của Ai Cập đóng tại căn cứ không quân Sidi Barrani ở khu vực phía Tây đất nước dọc theo biên giới với Libya.
Ông El-Sisi cho hay Ai Cập sẵn sàng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các bộ lạc Libya để bảo vệ đất nước của họ.
Ông El-Sisi ra tuyên bố mạnh mẽ trên sau khi lực lượng GNA trước đó tiến về TP Sirte.
Chiếm được Sirte sẽ mở ra cánh cửa cho lực lượng GNA tiến xa hơn về phía Đông và có khả năng kiểm soát các cơ sở dầu mỏ, nhà ga và các giếng dầu quan trọng mà các bộ lạc ủng hộ tướng Haftar đã đóng cửa trước đó trong năm nay.
GNA đáp trả
Hôm 21-6, GNA cho hay họ coi lời đe dọa can thiệp quân sự của Tổng thống el-Sisi là lời tuyên chiến.
“Những lời tuyên chiến của Tổng thống Ai Cập, vốn đang phá hoại chủ quyền của Libya và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Libya, ủng hộ lực lượng dân quân và lính đánh thuê ở Libya là không thể chấp nhận được”, văn phòng báo chí của GNA nói trong một tuyên bố.
Các thành viên của Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Ảnh: Abdullah Doma/AFP/Getty
“Đây được coi là bước đi thù địch, sự can thiệp rõ ràng vào các vấn đề nội bộ và là một lời tuyên chiến”, tuyên bố nói thêm.
“Toàn bộ Libya là lằn ranh đỏ. Bất kể tranh chấp giữa người Libya là gì, chúng tôi sẽ không cho phép người dân của mình bị xúc phạm hay bị đe dọa”, tuyên bố GNA đáp trả.
Lực lượng ông Haftar mở chiến dịch quân sự chiếm Tripoli từ GNA hồi tháng 4-2019. Tình hình ngày càng xấu đi khi các lực lượng nước ngoài tăng cường can thiệp bất chấp những cam kết ngược lại tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình cấp cao ở Berlin (Đức) đầu năm nay.
Lực lượng ông Haftar do Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga hậu thuẫn. Lực lượng GNA nhận sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ý.
Với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng GNA đã chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến hồi đầu tháng 6 sau khi chiếm lại sân bay của Tripoli, tất cả điểm ra vào chính của Tripoli và một loạt thị trấn quan trọng gần Tripoli. Đáng chú ý, dàn máy bay không người lái vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò quan trọng, làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến.
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của lực lượng LNA ở khu vực Tajura ở Tripoli, Libya. Ảnh: Anadolu Agency
Phía LNA nói rằng việc các tay súng của họ rút quân là một biện pháp chiến thuật để tạo cơ hội cho tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu hôm 20-6 nói rằng lực lượng ông Haftar đã mất cơ hội tham gia giải pháp chính trị vì ông Haftar đã phớt lờ những lời kêu gọi giải pháp hòa bình trước đó.
“Ngược lại, ông ta tăng cường sự gây hấn của mình. Ông ta đang thua cuộc, ông ta tất thất bại. Ông ta không thể chiến thắng. Ông ta đã có cơ hội tham gia tiến trình chính trị nhưng ông ta đã để mất”, ông Cavusoglu nói.
Thổ Nhĩ Kỳ: Lực lượng Haftar phải rút khỏi Sirte vì lệnh ngừng bắn lâu dài
Theo hãng tin AFP, hôm 20-6, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng lực lượng Nguyên soái Haftar đóng ở miền đông Libya cần rút khỏi TP Sirte vì một lệnh ngừng bắn lâu dài. Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc Pháp “gây nguy hiểm” cho an ninh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi ủng hộ ông Haftar.
Mọi người tập trung tại Quảng trường Liệt sĩ biểu tình phản đối các cuộc tấn công của lực lượng ông Haftar nhằm vào thủ đô Tripoli, Libya hôm 17-1. Ảnh: Hazem Turkia /Anadolu Agency
Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lập trường của GNA rằng Sirte và Al-Jufra nên được giải phóng khỏi lực lượng ông Haftar vì một lệnh ngừng bắn bền vững.
Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Fayez al-Sarraj, lãnh đạo GNA. Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp máy bay không người lái cùng hệ thống phòng không, giúp GNA chặn đứng cuộc tấn công gần đây của ông Haftar.
Ông Kalin cho hay một lệnh ngừng bắn sẽ là khả thi ở Libya nếu mọi người trở lại lập trường của họ năm 2015, nhắc tới một thỏa thuận đạt được trong năm này.
“Đây là lập trường của GNA và chúng tôi ủng hộ bởi vì hiện tại các lực lượng ông Haftar đang sử dụng các vị trí chiến lược làm bàn đạp chống lại chính phủ hợp pháp của Libya”, ông Kalin nói.
“Họ cũng đang dùng những nơi này để sử dụng tài nguyên dầu mỏ Libya nhằm tài trợ cuộc chiến của họ”, ông Kalin nói thêm.
Ngoài ra, ông Kalin cũng cảnh báo một lệnh ngừng bắn vội vã.
“Một lệnh ngừng bắn vội vã, quá sớm sẽ không đưa tới những gì chúng ta mong muốn đạt được cho tất cả người dân Libya ở đó”, ông Kalin nói.
Ông Kalin cũng cáo buộc Pháp gây nguy hiểm cho an ninh NATO khi ủng hộ ông Haftar.
“Tại Libya, chúng tôi đang ủng hộ chính phủ hợp pháp và chính phủ Pháp đang ủng hộ một nhà lãnh đạo bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho an ninh NATO, an ninh Địa Trung Hải, an ninh Bắc Phi và sự ổn định chính trị của Libya”, ông Kalin nói.