Ngày 24-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida trong khuôn khổ chuyến công du chính thức kéo dài bốn ngày đến Tokyo.
Thủ tướng Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật kể từ khi ông Kishida nhậm chức. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Kishida với một lãnh đạo quốc gia khác, bên ngoài các hội nghị quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và người đồng cấp Nhật Fumio Kishida. Ảnh: KYODO
Trong cuộc gặp, lãnh đạo Việt Nam và Nhật đã thảo luận về hàng loạt vấn đề, từ kinh tế thời kỳ COVID-19, hợp tác quốc phòng, an ninh, đến tình hình Biển Đông. Truyền thông Nhật và quốc tế đã đồng loạt đưa tin về chuyến thăm này.
Kinh tế
Về kinh tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trọng tâm của cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo. Với tư cách là thành viên của hiệp định thương mại CPTPP, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về việc Trung Quốc xin gia nhập tổ chức này.
Ông Kishida nói với các phóng viên rằng ông và người đồng cấp Việt Nam xác định hai bên sẽ duy trì các tiêu chuẩn "cấp cao" hiện hành, có liên quan các yêu cầu tham gia CPTPP.
Ngoài ra, hai lãnh đạo còn bàn về việc thúc đẩy du lịch, trong đó bày tỏ hy vọng sẽ tăng số lượng du khách hàng năm giữa hai nước lên 1,5 triệu - mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và người đồng cấp Nhật Fumio Kishida. Ảnh: AP
Thủ tướng Kishida cam kết Nhật sẽ cung cấp thêm 1,54 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam, nâng tổng đóng góp của nước này lên khoảng 5,6 triệu liều.
Nhật và Việt Nam cũng đồng ý về việc mở rộng xuất khẩu và cho biết thỏa thuận này tượng trưng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Hai bên cũng khẳng định hợp tác trong việc cải thiện điều kiện cho thực tập sinh và sinh viên Việt Nam tại Nhật, theo Kyodo News.
Nhật là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam sau Singapore và Hàn Quốc. Trong khi đó, Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu thế giới về hàng hóa sản xuất.
Theo ông Hiromi Murakami - GS khoa học chính trị tại ĐH Temple (Tokyo), Việt Nam đã trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp Nhật kể từ đầu năm nay, sau khi các công ty này rút khỏi Myanmar vì lo ngại cuộc chính biến ở nước này.
Nikkei Asia cũng cho rằng những nỗ lực của Nhật nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam nêu bật mong muốn của nước này trong việc hợp tác với ASEAN.
Ký kết nhiều thỏa thuận mới
Bên lề cuộc gặp cấp cao giữa hai thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và người đồng cấp Nhật Nobuo Kishi nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng đã bước sang một "tầm cao mới". Hai Bộ trưởng cũng chứng kiến quá trình ký hai hiệp định về an ninh mạng và quân y.
Các lĩnh vực hợp tác mới được thiết lập sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận vào tháng 9, cho phép Nhật xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi (ngoài cùng bên phải) chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - Nhật. Ảnh: REUTERS
Theo hai thỏa thuận, Nhật sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc đối phó với các cuộc tấn công mạng, cũng như tập huấn các hoạt động liên quan sức khỏe trên tàu ngầm và máy bay.
Việt Nam là quốc gia thứ 11 mà Nhật đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng trong bối cảnh Tokyo tìm cách hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng đang gặp khó khăn của mình, theo tờ Stars and Stripes (Mỹ).
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng về việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Biển Đông.
Hiện cả hai nước đều đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong khi Tokyo-Bắc Kinh có xung đột ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh tự ý vẽ ra cái gọi là "đường chín đoạn" nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền.
Quốc phòng
Theo hãng thông tấn Kyodo News của Nhật, tại hội nghị thượng đỉnh, ông Kishida nhấn mạnh Việt Nam là "đối tác quan trọng" của Tokyo trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong cuộc gặp, các nhà lãnh đạo Nhật và Việt Nam bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước các hành động làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh vai trò của việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, trong đó mọi tranh chấp phải được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhật cam kết sẽ hỗ trợ tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam bằng cách đẩy nhanh viện trợ đóng các tàu tuần tra. Năm 2017, Nhật đã đồng ý đóng sáu tàu tuần tra bảo vệ bờ biển cho Việt Nam trong một thỏa thuận trị giá 350 triệu USD.
Hai bên cũng thảo luận về các lĩnh vực cùng quan tâm và nhất trí rằng Nhật sẽ xuất khẩu nhiều thiết bị quốc phòng như tàu hải quân sang Việt Nam. Chi tiết về việc chuyển giao các thiết bị cụ thể, vẫn đang được thảo luận, theo hãng tin Nikkei Asia.
Tờ South China Morning Post ghi nhận rằng chính quyền Thủ tướng Kishida đã xác định Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tokyo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Yakov Zinberg - GS quan hệ quốc tế chuyên về các vấn đề Đông Á tại ĐH Kokushikan (Nhật) nhận định rằng các cam kết đạt được giữa hai bên cho thấy mối quan ngại của Tokyo đối với lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông ngày càng sâu sắc.