Theo hãng tin AP, Trung Quốc ngày 22-3 đã phản hồi Philippines về sự hiện diện của tàu nước này tại Biển Đông, theo đó được cho là đã “né tránh” những cáo buộc của Manila liên quan động thái của lực lượng dân quân biển Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát tại khu vực.
Theo đó, Trung Quốc hôm 22-3 cho biết “thời tiết xấu đã khiến hơn 200 tàu cá Trung Quốc thả neo tại một bãi đá ngầm tại Biển Đông”.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi Biển Đông) ngày 20-3 cho biết đã phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc, được cho là do lực lượng dân quân biển nước này điều khiển, đã neo đậu thành hàng tại một bãi đá ngầm trên vùng biển tranh chấp tại Biển Đông hôm 7-3.
Theo lực lượng này, các tàu Trung Quốc đã tập trung tại Đá Ba Đầu (tiếng Anh là Whitsun Reef, nằm ở phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết” “Gần đây, do điều kiện biển động, một số tàu đánh cá của Trung Quốc đã vào tránh gió gần Đá Ba Đầu. Tôi nghĩ đó là điều hết sức bình thường và hy vọng các bên có thể nhìn nhận hợp tình hợp lý”.
Tuy nhiên, bà Hoa còn ngang nhiên nói “Đá Ba Đầu là một phần của quần đảo Trường Sa, một trong những quần đảo chính ở Biển Đông, mà Trung Quốc hầu như tuyên bố chủ quyền”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 21-3 đã kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt hành động xâm nhập này và ngay lập tức rút những tàu thuyền này" ra khỏi khu vực.
Ông Lorenzana nói rằng sự hiện diện của các tàu này là một "hành động khiêu khích quân sự hóa khu vực".
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng cho biết Philippines tối 21-3 đã gửi công hàm đến Trung Quốc phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu dân quân của nước này tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
“Công hàm phản đối đã được gửi đi đêm nay; không thể chờ đợi tới sáng mai” - ông Locsin đăng dòng tweet cho biết.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines cho biết tình hình trên đáng quan ngại do tình trạng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như các nguy cơ đối với an toàn hàng hải.
Theo AP, các đội tàu đánh cá của Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ được sử dụng như lực lượng dân quân biển, cũng như được cho là tuân theo chỉ đạo của chính quyền Bắc Kinh để hỗ trợ lực lượng tuần duyên và hải quân trong việc khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này.
Trước đó, Ngoại trưởng Locsin hôm 27-1 đã gửi công hàm phản đối về việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài và gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.