Philippines gửi công hàm phản đối vụ 220 tàu dân quân Bắc Kinh

Tờ Straits Times dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết Philippines tối 21-3 đã gửi công hàm đến Trung Quốc phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu dân quân của nước này tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Đây này là phản ứng của Manila đối với Bắc Kinh sau khi Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi Biển Đông) ngày 20-3 cho biết đã phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc, được cho là do lực lượng dân quân biển nước này điều khiển, đã neo đậu thành hàng tại một bãi đá ngầm trên vùng biển tranh chấp tại Biển Đông hôm 7-3.

Theo lực lượng này, các tàu Trung Quốc đã tập trung tại Đá Ba Đầu (tiếng Anh là Whitsun Reef, nằm ở phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Philippines phát hiện 220 tàu Trung Quốc, dường như do lực lượng dân quân biển điều khiển, tại Biển Đông. Ảnh: REUTERS  

Theo báo Inquirer, ông Locsin hôm 21-3 đã đăng trên Twitter rằng quyết định gửi công hàm phản đối do Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon đề xuất.

“Công hàm phản đối đã được gửi đi đêm nay; không thể chờ đợi tới sáng mai” - ông Locsin đăng dòng tweet cho biết.

Ông Delfin Lorenzana - bộ trưởng quốc phòng Philippines - hôm 21-3 cũng đã yêu cầu hơn 200 tàu Trung Quốc do dân quân điều khiển rời khỏi đá Ba Đầu, gọi sự hiện diện của các tàu này là "hành động khiêu khích quân sự hóa khu vực".

Ông Lorenzana kêu gọi Trung Quốc “ngừng cuộc xâm nhập này và ngay lập tức rút những tàu này ra khỏi khu vực”.

Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines cho biết tình hình trên đáng quan ngại do tình trạng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như các nguy cơ đối với an toàn hàng hải.

"Bất chấp thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, các tàu Trung Quốc tập trung ở bãi đá không có bất kỳ động thái đánh bắt nào và đã bật đèn trắng suốt đêm" - tuyên bố của lực lượng này nêu rõ.

Chỉ huy quân sự Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết “ưu tiên hàng đầu của quân đội vẫn là bảo vệ công dân của chúng tôi trong khu vực, đặc biệt là ngư dân của chúng tôi, thông qua việc tăng cường tuần tra hàng hải”.

Philippines cam kết sẽ theo dõi sát sao tình hình và "theo đuổi một cách hòa bình, chủ động những sáng kiến bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và tự do hàng hải" trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận và các cuộc gọi đến đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cũng chưa được trả lời.

Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ được sử dụng như lực lượng dân quân biển nhằm giúp nước này khẳng định các yêu sách lãnh thổ phi pháp của mình. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc này.

Trước đó, Ngoại trưởng Locsin hôm 27-1 đã gửi công hàm phản đối về việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài và gọi đó là “mối đe dọa chiến tranh”.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc cho đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hiện diện cách đất liền vài trăm km hoặc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng và có những hành vi hung hăng như chống lại các tàu đang đánh bắt cá và thăm dò tài nguyên tại Biển Đông.

Mỹ đã nhiều lần lên án các nỗ lực của Trung Quốc như hành vi "bắt nạt" nước láng giềng cạnh tranh lợi ích, trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington "can thiệp vào công việc nội bộ".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm