Biển Đông: Lo ngại quanh hầm vượt biển nối Hải Nam và Bắc Kinh

Theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 16-1, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) - đang kêu gọi chính phủ nước này đưa dự án xây dựng một đường hầm đường sắt cao tốc nối đại lục và đảo Hải Nam trở lại chương trình nghị sự.

Dự án này được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế của hòn đảo và phục vụ tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo ông Ngô, chính phủ Trung Quốc nên đưa dự án đường sắt xuyên biển trên vào “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (được công bố vào hồi đầu tháng 11-2020) hoặc “Kế hoạch 5 năm lần thứ 15” kế tiếp của Trung Quốc. Trên cơ sở đó, chính phủ Bắc Kinh cần thúc đẩy quá trình chuẩn bị xây dựng và cấp vốn nhằm cho phép dự án có thể được hoàn tất trước 2033.

Tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông

Theo ông Ngô, một tuyến đường vượt biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa, thu hút các doanh nghiệp và nhân tài đến hòn đảo, nơi đóng vai trò là “tiền tuyến để Trung Quốc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”.

Hình ảnh vệ tinh hồi tháng 8-2020 cho thấy một tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc đang tiến vào một căn cứ ngầm trên đảo Hải Nam trên Biển Đông. Ảnh:  PLANET LABS / AFP

Đường hầm đường sắt cao tốc có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa đại lục và đảo Hải Nam còn khoảng 10 phút. Hiện tại, việc di chuyển bằng phà giữa đảo Hải Nam và đất liền mất từ hai đến năm giờ. Du lịch bằng đường biển và đường hàng không cũng có thể bị gián đoạn vì các cơn bão.

Trong tám năm qua, GDP của tỉnh Hải Nam đã tăng gấp đôi và dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong thập niên tới, đạt khoảng 230 tỉ USD. Theo chính quyền tỉnh Hải Nam, số lượng khách du lịch đến thăm hòn đảo này dự báo sẽ tăng từ 80 triệu người một năm lên 150 triệu người vào năm 2030.

Đáng chú ý, ông Ngô cho biết việc xây dựng một tuyến đường giao thông qua lại có thể giúp Bắc Kinh hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông, giúp cung cấp vật liệu và hỗ trợ hậu cần.

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Các đề xuất và nghiên cứu khả thi về xây dựng một đường hầm nối đại lục và đảo Hải Nam đã được đưa ra từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, vì những khó khăn về xây dựng, chi phí cao và lo ngại về môi trường, dự án này đến nay vẫn chưa thành hiện thực. 

Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng các vấn đề trên có thể được giải quyết. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến hòn đảo này thành một trung tâm thương mại tự do và điểm đến du lịch của thế giới sẽ là nguồn động lực lớn.

Học viện Kỹ thuật Trung Quốc hồi năm 2019 cho biết đã tìm ra giải pháp cho vấn đề thông gió trong một đường hầm dài dưới nước như vậy, một trong những khó khăn lớn nhất của dự án.

Trao đổi với SCMP hồi năm 2020, ông Ngô cho biết NISCSS cùng các kỹ sư đã nghiên cứu và đề xuất một đường hầm đảm bảo khả thi về mặt kỹ thuật và ít ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải. Nếu được thông qua, dự án sẽ tốn khoảng 12 tỉ USD và mất khoảng tám năm để hoàn thành.

Ông Lin Yongxin - Giám đốc Viện Nghiên cứu Con đường Tơ lụa trên biển - cho biết: "Chưa có một mô hình nào có thể tính toán đầy đủ chính xác khả năng chịu đựng của môi trường sinh thái của đảo Hải Nam. Vẫn chưa rõ liệu dự án vượt biển này có gây tổn hại đến môi trường sinh thái của đảo Hải Nam hay không".

Trước đó, Trung Quốc hồi tháng 12-2020 đã ngang nhiên bắt đầu lại các tour du lịch phi pháp ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Tour du lịch nói trên xuất phát từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.

Trung Quốc hồi tháng 6-2020 đã công bố “Phương án tổng thể xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam” nhằm biến nơi đây thành "khu vực thương mại tự do" tương tự Hong Kong hay Singapore và thành một trung tâm thương mại, mua sắm và vận chuyển tại khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm