Tối 28-4, báo South China Morning Post đưa tin quân đội Trung Quốc (TQ) cáo buộc tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đã “xâm nhập vùng biển thuộc lãnh thổ TQ” gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị TQ dùng vũ lực chiếm đóng trái phép). Quân đội Mỹ còn bị cáo buộc có hành vi “khiêu khích”, “vi phạm chủ quyền” của TQ ở biển Đông.
Căng thẳng mới Mỹ-TQ
Bộ tư lệnh chiến khu Nam (ở Quảng Châu), đơn vị của TQ phụ trách tiếp cận biển Đông, nói rằng hôm 28-4, tàu USS Barry đã xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép từ TQ. Cơ quan này khẳng định đã ngay lập tức cử lực lượng tuần tra trên biển và trên không của TQ để đuổi theo, giám sát, xác nhận và cảnh báo, sau đó trục xuất tàu Mỹ, theo South China Morning Post. Được biết trong tháng 4, Mỹ đã hai lần cho tàu USS Barry đi qua eo biển Đài Loan. Cả hai lần này, tàu Mỹ đều bị tàu chiến của quân đội TQ theo sát.
Việc TQ tuyên bố xua đuổi tàu Mỹ ra khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa một lần nữa cho thấy mối đe dọa từ Bắc Kinh: Thứ nhất, tiếp tục theo đuổi “yêu sách lịch sử” vốn đã bị Tòa Trọng tài bác tính pháp lý vào năm 2016. Thứ hai, xem Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo, được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo. Cuối cùng, xem các quần đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng. Các luận điểm này đều vi phạm luật pháp quốc tế.
Lâu nay, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) do Mỹ thực hiện với tuyên bố: (i) Phù hợp với luật pháp quốc tế; (ii) Đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Cho đến hiện tại, những hoạt động FONOP hợp pháp, dù của Mỹ hay các nước khác, đều được nhiều nước đồng thuận, ngoại trừ TQ.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 28-4. Ảnh: GETTY
Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016. Ảnh: CSIS
Mối đe dọa TQ đối với Washington…
Giới quan sát nhận định FONOP hay tập trận trên biển của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng. Nhận định này không phải vô lý. Bởi lẽ bất chấp thách thức từ hải quân Mỹ với đồng minh, chính quyền Bắc Kinh vẫn chiếm, bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa một số thực thể ở biển Đông, vốn không thuộc quyền quản lý của họ.
Ngoài ra, tàu thuyền của Mỹ và nhiều nước khi đi lại tự do trên biển Đông theo các quy ước chung của thế giới luôn bị TQ ngăn cản, đe dọa, làm khó. Hành xử của TQ chỉ dừng trong phạm vi “vùng xám”, tức là có va chạm nhỏ, căng thẳng nhưng chưa đến mức gây chiến tranh. Tuy nhiên, hoạt động của Lầu Năm Góc chưa “ghè chân” được TQ ở biển Đông. Đó là một sự thật mà dù muốn hay không Mỹ phải thừa nhận.
Dẫu vậy, FONOP hay tập trận có những giá trị thực tế nhất định. TQ rất lo ngại tàu Mỹ cùng các nước tiếp cận các đảo nhân tạo trái phép của họ, không chỉ vì vấn đề an ninh mà trên hết đó là thông điệp phản kháng của thế giới. Không ai công nhận thứ yêu sách chủ quyền đậm chất bá quyền (chiếm hơn 90% biển Đông), vốn dựa trên sự bẻ cong luật pháp quốc tế và những cam kết mà TQ đã đặt bút ký.
FONOP nói riêng hay sự xuất hiện các sáng kiến của Washington nói chung tại biển Đông sẽ tạo ra sự tự tin hợp tác của các nước trong khu vực. Nên nhớ rằng phía sau Mỹ là hệ thống đồng minh, đối tác “mạnh gạo, bạo tiền”, điển hình như EU, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. Cái mà Mỹ thiếu hiện nay chính là một “chiến lược toàn diện”, trong đó có sự liên hợp giữa các bộ, ngành để đối trọng Bắc Kinh.
Đúng như một số chuyên gia nhận định: Washington không thể chỉ dùng có một Lầu Năm Góc để chống TQ ở biển Đông. Vùng biển nhộn nhịp này liên quan mật thiết đến tự do hàng hải, thương mại, địa chính trị và cả chuyện môi trường, nhân đạo.
Vậy nên, các bộ Ngoại giao, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp… của Mỹ cần cùng lúc vào cuộc. Ngoài ra, hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân cũng cần được xúc tiến trong việc áp dụng các “quân bài” kinh tế, ngoại giao, pháp lý để buộc TQ phải trả giá cho việc “gặm nhấm” của họ tại biển Đông. Chiến lược này, nói theo kiểu của TQ, chính là “tiếp cận toàn chính phủ” đối với biển Đông.
… và đe dọa cả châu Âu
Trong khi Mỹ nhận thức ngày càng rõ về mối đe dọa TQ thì châu Âu dường như vẫn còn mông lung về mưu đồ của Bắc Kinh ở biển Đông. Quan hệ TQ-EU cũng nổi lên nhiều vấn đề trong vài năm gần đây: TQ thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp châu Âu; lợi dụng môi trường tự do kinh doanh ở EU và các ưu đãi thuế quan để đoạt lấy các thị trường quan trọng; các tranh cãi hoài nghi tình báo TQ đánh cắp công nghệ.
Chỉ trong vòng hai tháng qua, phía TQ đã có nhiều động thái phi pháp, vô trách nhiệm giữa đại dịch: Triển khai các trạm nghiên cứu khoa học trên biển, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đưa tàu Địa chất hải dương 8 đầy tranh cãi ra biển Đông, lập hai quận hành chính thuộc “TP Tam Sa”, cập nhật “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở biển Đông. Tất cả đều bị chính phủ và dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Mới đây, TQ cũng đăng phát video “Một biển” có hàm ý khẳng định chủ quyền của TQ tại vùng biển Philippines, khiến người dân nước này phẫn nộ. Phía TQ cũng chĩa pháo vào tàu hải quân Philippines. |
Tuy nhiên, châu Âu có rất ít phản ứng rõ ràng về TQ ở biển Đông, ngoại trừ các tuyên bố ngoại giao đơn thuần. Giới quan sát nhận định yêu sách chủ quyền phi pháp của TQ ở biển Đông là sự cảnh báo quan trọng đối với “lục địa già”. Điều này rất có cơ sở, bởi lẽ hiện nay sáng kiến “Vành đai - Con đường” của TQ đang len lỏi vào nhiều vùng biển, tiếp cận nhiều cảng biển sầm uất nhất ở châu Âu.
Châu Âu cần nhìn thấy đe dọa từ sự vô pháp của Bắc Kinh ở biển Đông. Điển hình, TQ duy trì yêu sách đường lưỡi bò, yêu sách “Tứ Sa” bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 - một tổ chức quốc tế có trụ sở ngay trên đất Hà Lan ở châu Âu và được thế giới tôn trọng. Nói cách khác, một biểu tượng “thượng tôn pháp luật” giữa châu Âu như Tòa Trọng tài vẫn chưa ngăn được tham vọng bá quyền của TQ ở biển Đông. Không lên án TQ, các giá trị của EU sẽ bị xói mòn.
Một điều quan trọng hơn chính là TQ đang đe dọa niềm tin chiến lược của Mỹ đối với EU. Tạm bỏ qua những bản hợp đồng thương mại đầy tranh cãi của TQ tại châu Âu, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh trách nhiệm của EU đối với vấn đề an ninh trong mối quan hệ đồng minh truyền thống.
Trong bối cảnh Mỹ, TQ liên tục đối đầu ở biển Đông và tham vọng của TQ đang đe dọa trật tự “mở và tự do” mà Mỹ lãnh đạo, rõ ràng EU cần hiện diện. Việc cùng Mỹ và các nước đồng minh khác chia sẻ “nhận thức chung về mối đe dọa từ TQ” sẽ góp phần thắt chặt quan hệ Mỹ-EU, mở ra nhiều không gian để đôi bên tái thiết tình thân. Một liên minh Mỹ-EU cùng các nước đồng minh Mỹ ở châu Á cùng liên kết, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời có các cơ chế giải quyết xung đột (ví dụ trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao) chắc chắn sẽ khiến TQ phải chùn bước.
Cuối cùng, với các định hướng “hướng Đông”, châu Âu cần nhận ra việc làm ăn, giao thương với các quốc gia khu vực, ví dụ ASEAN, mang lại những tiềm năng lớn đi kèm rủi ro thấp hơn (so với TQ). Không thiếu những mổ xẻ về rủi ro xoay quanh “Vành đai - Con đường”, cũng như các nghi ngại về đánh cắp công nghệ dính líu TQ. Việc hiện diện tại biển Đông sẽ “kiểm tra” thái độ TQ, đồng thời gia tăng cơ hội thúc đẩy hợp tác tiềm năng EU-ASEAN. Điều đó vừa thể hiện vai trò của khối cường quốc EU với đối tác và cũng là chia sẻ trách nhiệm với nước Mỹ đồng minh.
Mỹ bác bỏ tin bị tàu Trung Quốc “trục xuất” Trang tin của Viện Hải quân Mỹ USNI News cùng ngày 28-4 dẫn lời các quan chức hải quân Mỹ xác nhận tàu USS Barry đã thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở “vùng biển gần chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam”. Trong khi phía TQ tuyên bố đã ép buộc tàu Mỹ phải rời khỏi vùng biển nói trên, một quan chức hải quân Mỹ không xác nhận điều này. Theo đó, hoạt động FONOP mà tàu USS Barry đã triển khai được tiến hành theo kế hoạch, không gặp bất kỳ hành vi đe dọa an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ máy bay hay tàu chiến của TQ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ bác bỏ thông tin tàu USS Barry bị phía TQ “trục xuất”. |