Nhật Bản đang phát triển một tên lửa siêu thanh diệt hạm. Đây là loại vũ khí có thể bay ở độ cao lớn và có thể đặt ra mối đe dọa cho các tàu sân bay của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Tên lửa mang đầu đạn có khả năng xuyên thủng sàn tàu sân bay
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa siêu thanh diệt hạm mà nước này đang phát triển sẽ là một thiết bị lượn siêu thanh (HVGP). Cơ quan này đã lên kế hoạch triển khai phiên bản đầu tiên vào năm 2026 và phiên bản nâng cấp sau năm 2028.
Nhật đang phát triển tên lửa diệt hạm có vận tốc cao gấp năm lần vận tốc âm thanh. Ảnh: ATLA
Tên lửa nói trên có tốc độ bay nhanh gấp năm lần tốc độ âm thanh, đồng nghĩa đây sẽ là một vũ khí siêu thanh. Với việc biên chế một loại tên lửa như vậy, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới được trang bị công nghệ lượn siêu thanh sau Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Công nghệ này cho phép một tên lửa lượn với tốc độ cao ở tầng cao khí quyển - vốn được xem điểm yếu của các hệ thống phòng không. Ngoài ra, công nghệ này cho phép tên lửa di chuyển theo quỹ đạo phức tạp, gây khó khăn cho việc đánh chặn.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, phiên bản đầu tiên của tên lửa mới sẽ tập trung vào các mục tiêu trên đất liền, trong khi phiên bản nâng cấp sẽ nổi bật ở tốc độ được cải tiến và tầm bắn để tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn.
Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi có trụ sở tại Tokyo, Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang phát triển một động cơ phản lực dòng thẳng để cung cấp năng lượng cho tên lửa siêu thanh được đề cập ở trên.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của động cơ sẽ bị giới hạn còn khoảng 500 km hoặc thấp hơn nhằm phù hợp với “chính sách quốc phòng theo định hướng phòng thủ” của Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói thêm rằng HVGP sẽ mang đầu đạn có khả năng xuyên thủng sàn tàu sân bay.
Bộ này cho biết tên lửa mới được phát triển cho mục đích bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản ở phía tây nam, ý nhắc tới quần đảo Okinawa và các đảo xung quanh, bao gồm cả quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc. Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư.
Chuỗi đảo không có người ở này thuộc khu vực biển Hoa Đông, nằm cách đảo Okinawa 420 km.
Năm 2012, chính phủ Nhật Bản mua lại ba đảo trong chuỗi đảo nói trên từ các chủ sở hữu tư nhân. Nhật Bản cho hay động thái này nằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, điều này khiến Trung Quốc tức giận.
Kể từ đó, lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra gần Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc tăng cường hoạt động trong khu vực, sử dụng eo biển Miyako - một tuyến đường biển quốc tế nằm giữa Okinawa và đảo Miyako - làm cửa ngõ đi vào tây Thái Bình Dương.
Đe dọa hải quân Trung Quốc
Nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh (Trung Quốc) Zhou Chenming nhận định nếu Nhật Bản phát triển thành công tên lửa siêu thanh mới này, đây có thể là mối đe dọa cho các hoạt động hải quân của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời có thể tác động tới cân bằng chiến lược trong khu vực.
Trung Quốc trình làng tên lửa siêu thanh DF-17 hồi tháng 10-2019. Ảnh: AP
Tuy vậy, ông Zhou lưu ý rằng đã có sự trì trệ trong các chương trình vũ khí trước đây của Nhật Bản.
“Có nhiều điều không chắc chắn từ hoạt động chính trị nội bộ cho đến những thay đổi chính sách ngoại giao của Nhật Bản cũng như công nghệ quân sự. Vì vậy, chúng tôi cần theo dõi chương trình này sẽ diễn ra như thế nào trong vài năm tới” - ông Zhou nhấn mạnh.
Nhật Bản đã chi 18,5 tỉ yen (172 triệu USD) cho nghiên cứu tên lửa siêu thanh trong ngân sách năm 2018 và 2019. Nhật Bản có kế hoạch chi thêm 25 tỉ yen (233 triệu USD) trong năm nay.
Trung Quốc và Nga hiện là hai quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành tên lửa siêu vượt âm.
Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo triển khai một vũ khí siêu thanh khi tên lửa DF-17 của nước này được trình làng trong cuộc duyệt binh ngày Quốc khánh hôm 1-10-2019.
Tại Nga, tên lửa siêu thanh Avangard có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã đi vào hoạt động hồi tháng 12-2019.
Hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ đã thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common-Hypersonic Glide Body (C-HGB). Vũ khí này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và phóng từ đất liền, trên không hoặc trên biển. Mỹ hy vọng hoàn thành tên lửa đầu tiên vào năm 2022.