“Mỹ vượt xa chúng tôi về chi tiêu quốc phòng hằng năm. Nhưng việc là một nhà chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới không thực sự khiến ông Donald Trump đặc biệt hạnh phúc”, Tổng thống Putin nói trong cuộc phỏng vấn với TASS cho dự án “20 câu hỏi cùng Vladimir Putin”.
“Ông Donald Trump nói với tôi rằng họ đã thông qua một ngân sách quân sự điên rồ cho năm tới, 738 tỉ USD” - ông Putin nói.
Theo ông Putin, Tổng tư lệnh Mỹ Donald Trump - người thích nói chuyện về khí tài quân sự của nước này trong những chuyến công du nước ngoài và tự hào về lực lượng vũ trang Mỹ - đã có xu hướng dè dặt hơn.
“Ông ấy (Trump) đã nói với tôi rằng khoản chi phí này quá lớn nhưng ông ấy phải làm điều này” - ông Putin nói và mô tả người đồng cấp Mỹ là người ủng hộ giải trừ quân bị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES
Cuối năm 2019, ông Trump đã ký phê chuẩn Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA), đồng ý với khoản ngân sách 738 tỉ USD, tăng thêm 2,8% so với năm ngoái. NDAA bao gồm các điều khoản gây tranh cãi như kêu gọi trừng phạt nhằm vào Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và việc thành lập quân chủng mới.
Về chi tiêu quân sự, Nga xếp sau Trung Quốc, Saudi Arabia, Anh, Pháp và Nhật với ngân sách quốc phòng 48 tỉ USD.
“Chi tiêu hằng năm của chúng tôi đang giảm xuống. Ngược lại chi tiêu của các nước khác tăng lên” - ông Putin nhận định.
“Chúng tôi sẽ không đánh bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi sẽ tạo ra những điều kiện để không ai muốn đánh chúng tôi” - ông Putin nhấn mạnh.
"Bây giờ họ phải chạy đua để bắt kịp chúng tôi"
Hãng tin RT dẫn lời ông Putin rằng Nga trước đây luôn phải bám đuổi các nước khác về khả năng quốc phòng nhưng bây giờ không còn nữa.
“Lần đầu tiên, chúng ta tạo ra được hệ thống tấn công mà thế giới chưa từng thấy. Bây giờ họ đang phải chạy đua để bắt kịp chúng tôi. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây" - ông Putin nhấn mạnh.
Tổ hợp tên lửa Yars của Nga. Ảnh: RIA NOVOSTI
Ông Putin cho rằng việc Nga theo kịp các lực lượng vũ trang mạnh nhất thế giới đã giúp gìn giữ hòa bình trên hành tinh.
“Nhờ sự cân bằng chiến lược này, hành tinh tránh được các cuộc xung đột quân sự lớn sau Thế chiến II” - ông Putin nói.
Mỹ đã cố gắng đảo lộn sự cân bằng đó bằng cách thiết lập các lá chắn tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Mỹ và nước ngoài, đáng chú ý nhất là ở Đông Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Họ lý luận như vậy dựa trên niềm tin rằng “phía bên kia sẽ không thể đáp trả tương xưng nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân” - ông Putin giải thích.
“Tuy nhiên, sau khi phát triển những hệ thống siêu thanh hiện đại, trong đó có những hệ thống dễ dàng qua mắt được mọi hệ thống chống tên lửa đạn đạo, chúng tôi duy trì sự ổn định chiến lược và sự cân bằng chiến lược này. Điều đó không chỉ cần thiết đối với chúng tôi mà còn cho an ninh toàn cầu” - ông Putin nhấn mạnh.
Cuối năm 2019, ông chủ Điện Kremlin đã đưa ra những tuyên bố tương tự khi ông tiết lộ rằng quân đội Nga sẵn sàng trang bị tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal và tên lửa siêu thanh Avangard.
Theo tiết lộ của ông Putin, tên lửa Avangard có thể đạt đến vận tốc Mach 27 (nhanh hơn 27 lần tốc độ âm thanh) mà không bị mất kiểm soát và vẫn nguyên vẹn dưới áp suất hoặc sức nóng cực độ.
Nga đến nay là quốc gia duy nhất đang triển khai vũ khí siêu thanh. Theo Tổng thống Putin, các kỹ sư Nga cũng đang thiết kế những hệ thống chống lại những vũ khí nếu được phát triển bởi bất kỳ kẻ thù nào.