Căng thẳng giữa Belarus và Nga với các láng giềng ngày càng báo động

Nhiều tuần qua, tình hình khu vực biên giới Belarus và các nước láng giềng Đông Âu rất căng thẳng. Hàng ngàn người di cư bất hợp pháp từ nhiều quốc gia khác nhau (chủ yếu là Trung Đông) tiếp tục đổ về Belarus với hy vọng từ đây tiến vào được lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU). Quan chức Belarus cùng những nước có liên quan đã họp bàn từ cuối tháng 10 đến nay nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp thực tế nào cho vấn đề này.

Nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự

Hôm 10-11, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski khẳng định cuộc khủng hoảng di cư lần này mang mức độ nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua và dự đoán tình hình sẽ còn diễn biến tiêu cực hơn trong những ngày tới.

Binh sĩ Ba Lan làm nhiệm vụ tại biên giới nước này với Belarus hôm 9-11, trong bối cảnh người di cư bất hợp pháp tập trung ngày càng đông. Ảnh: AFP

Theo tờ El Pais, trong các nước đối mặt với dòng người ở biên giới thì Ba Lan là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất. Số liệu của lực lượng an ninh biên giới Ba Lan cho biết tính từ tháng 8 đến nay đã có hơn 30.000 vụ vượt biên trái phép vào nước này, với hơn 17.000 vụ diễn ra chỉ trong tháng 10. Không có thông tin về đụng độ bạo lực giữa an ninh Ba Lan và người di cư, song vẫn có một số trường hợp tử vong - chủ yếu do bị hạ thân nhiệt vì thời tiết khắc nghiệt.

Hiện Lithuania và Ba Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới. Chính quyền Lithuania cũng cho biết đã kiến nghị Liên Hợp Quốc thảo luận về việc lập “hành lang nhân đạo” ở biên giới để hỗ trợ đưa người di cư trở về chính quốc của họ. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) gần đây cũng đã lên tiếng quan ngại về an toàn, sức khỏe của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong nhóm người di cư và đang tích cực liên hệ với phía Belarus và các nước xung quanh để hỗ trợ.

Ngày 11-11, bộ trưởng quốc phòng của các nước Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia ra tuyên bố chung cảnh báo rằng dòng người di cư đổ về biên giới Belarus và những nước này là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với toàn khối EU, theo hãng tin Reuters. Các bộ trưởng cũng cảnh báo nếu sự việc không được xử lý sớm sẽ có nguy cơ xảy ra các vụ khiêu khích bạo lực, leo thang dần thành xung đột quân sự.

Theo lập trường của EU, Belarus là bên phải chịu trách nhiệm chính. EU cáo buộc chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko cố tình “ngó lơ” để người di cư bất hợp pháp tràn về biên giới các thành viên EU, nhằm tạo áp lực buộc khối phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Belarus liên quan đến vấn đề quyền con người.

Hiện EU đang tổ chức giám sát các chuyến bay từ hàng chục quốc gia đến Belarus, do nghi ngờ chở theo người di cư bất hợp pháp. Chính phủ một số nước thành viên EU cũng đã đình chỉ tạm thời một thỏa thuận về tạo điều kiện cấp thị thực cho quan chức Belarus liên quan đến vấn đề này.

Phản ứng rắn của Belarus và Nga

Belarus ngay từ đầu phủ nhận mọi cáo buộc mình đứng sau “đạo diễn” tình hình bất ổn tại biên giới nước này với các láng giềng Đông Âu. Ông Lukashenko chẳng những khẳng định Minsk không muốn leo thang căng thẳng mà còn cáo buộc ngược lại rằng việc những nước như Ba Lan điều quân hàng chục ngàn binh sĩ tới biên giới mà không báo trước cho Belarus mới đang làm mọi chuyện xấu đi.

Ông Lukashenko còn cảnh cáo sẽ trả đũa bằng cách ngắt đường ống dẫn khí từ Nga sang EU qua ngả Belarus. Đây là một phần đường ống hỗ trợ cho dự án Nord Stream 2 của Nga vốn được Moscow khẳng định sẽ giúp EU giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ở nhiều thành viên trong khối.

Theo tạp chí Foreign Policy, hiện tại Nga vẫn giữ mức hiện diện tối thiểu trong vấn đề khủng hoảng di cư này, cụ thể là chỉ hỗ trợ Belarus đấu tranh chống lại các cáo buộc từ phương Tây. Trước đó, Moscow có điều hai máy bay ném bom chiến lược sang tuần tra trong không phận Belarus để tỏ ý ủng hộ đồng minh rồi rút về.

Tuy vậy, một diễn biến đáng chú ý có liên quan tới Nga diễn ra hôm 11-11 tại cuộc họp kín của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình đoàn người di cư bất hợp pháp. Reuters dẫn một số nguồn tin giấu tên tiết lộ phái đoàn Nga đã tranh cãi kịch liệt với các phái đoàn Mỹ, Anh cùng một loạt quốc gia phương Tây khác tham gia phiên họp, khi các phái đoàn này nhắc lại luận điểm rằng Belarus cố tình hỗ trợ người di cư bất hợp pháp để gây sức ép với EU.

Tuyên bố cuối buổi họp cũng phản ánh không khí căng thẳng nói trên. Trong khi Mỹ và các đồng minh khẳng định đoàn kết cùng EU chống lại “cuộc tấn công từ chính quyền Belarus” thì phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy cho rằng không phải vấn đề nào Hội đồng bảo an cũng phải can thiệp, đơn cử như những gì ở biên giới Belarus.•

 

400 triệu USD được Quốc hội Ba Lan duyệt chi hồi tháng 10 để xây một bức tường cao 2,5 m dọc biên giới 418 km với Belarus, trong nỗ lực ngăn chặn dòng người vượt biên vào nước này. Bức tường sẽ được trang bị hệ thống cảm biến có thể phát hiện chuyển động trong phạm vi cách tường 200 m, theo Reuters.

Trách nhiệm của EU tới đâu trong cuộc khủng hoảng lần này?

Dù EU liên tục cho rằng Belarus là bên duy nhất đang làm trầm trọng vụ khủng hoảng di cư, song Foreign Policy cho rằng khối này cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì chính sách tị nạn có vấn đề.

Cụ thể, điểm bất hợp lý ở chỗ nước thành viên EU mà người tị nạn đặt chân đến đầu tiên thường là nước đầu tiên chịu trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn. Điều này khiến một bộ phận lớn người di cư phải ở lại những nước mà họ không có ý định xin tị nạn ngay từ đầu.

Hệ thống này bị giới quan sát chỉ trích là cách các nước giàu có ở Bắc Âu chuyển quy trình bảo vệ người tị nạn phức tạp sang cho các nước EU nghèo hơn ở biên giới (như ở Địa Trung Hải, Đông Âu) xử lý. Điều này cho phép các nước EU giàu duy trì được vẻ ngoài tự do, công khai nói về nhân quyền, trong khi đẩy những việc tiêu cực như lập hàng rào biên giới hay đối phó với người di cư cho các nước nghèo ở vòng ngoài EU.

Bên cạnh đó, ngay cả khi được phê duyệt hồ sơ tị nạn thì cơ hội tái định cư ở EU vẫn rất thấp. Trong năm 2020, khối này chỉ nhận vào khoảng 8.700 người theo diện tị nạn. Ngay cả trước đại dịch COVID-19 thì con số này cũng chỉ tăng lên được 21.000 người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm