Với việc giao tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, Tổng thống Joe Biden hôm 8-3 đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định lệnh cấm này vẫn còn nhiều bất cập, theo hãng tin AP.
Chỉ Mỹ cấm thì chưa đủ
Theo AP, lệnh cấm vận của Mỹ sẽ đạt được hiệu quả cao nhất nếu có sự tham gia của các đồng minh châu Âu - vốn cũng đang tìm cách ngăn chặn xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cả châu Âu sẽ phối hợp với Mỹ, mặc dù Anh đã tuyên bố rằng họ sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay.
Sau lệnh cấm của ông Biden, giá dầu tăng chạm mốc 130 USD/thùng vào ngày 9-3. Ảnh: GETTY
Khác với Mỹ, châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia.
Theo AP, một lệnh cấm đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sẽ gây tổn thất lớn cho châu Âu. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ xuất khẩu từ Nga chiếm khoảng 1/4 lượng dầu sử dụng ở châu Âu.
Trong khi Mỹ có thể tìm nguồn nhiên liệu khác thay thế cho năng lượng nhập từ Nga, thì châu Âu không thể, hoặc ít nhất là không thể sớm làm được việc này.
Ngày 7-3, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh Đức - nước tiêu thụ nhiều năng lượng từ Nga nhất châu Âu, không có kế hoạch tham gia vào bất kỳ lệnh cấm nào.
Moscow có thực sự bị 'đau' không?
Theo AP, tác động đối với Nga có thể sẽ ở mức tối thiểu. Mỹ chỉ nhập khẩu một phần nhỏ dầu từ Nga và không mua bất kỳ khí tự nhiên nào của nước này.
Năm ngoái, chỉ khoảng 8% dầu và các sản phẩm dầu mỏ Mỹ sử dụng là đến từ Nga. Tổng lượng nhập khẩu rơi vào khoảng 245 triệu thùng vào năm 2021, tương đương khoảng 672.000 thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu của Nga đã giảm nhanh chóng do người mua dần hạn chế nhiên liệu này.
Do lượng dầu mà Mỹ nhập khẩu từ Nga là không lớn, Nga có khả năng bán dầu đó ở những nơi khác, có thể là ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, Moscow có thể sẽ phải bán với mức chiết khấu cao, vì ngày càng ít người mua chấp nhận dầu của nước này.
Gánh nặng cho chính nền kinh tế Mỹ
Hơn nữa, bất kỳ sự hạn chế nào đối với dầu của Nga có thể khiến giá dầu và xăng ở Mỹ tiếp tục tăng vọt, đồng thời bóp chết người tiêu dùng, doanh nghiệp, thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.
Một tháng trước, dầu được bán với giá khoảng 90 USD/thùng. Sau chuỗi sự kiện ở Ukraine và lệnh cấm của ông Biden, nó đang ở mốc gần 130 USD/thùng. Theo AP, các nhà máy lọc dầu lo sợ họ không thể bán số dầu hiện có nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt.
Sau lệnh cấm của ông Biden, giá dầu tăng chạm mốc 130 USD/thùng vào ngày 9-3. Ảnh: REUTERS
Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng giá có thể lên tới 160 USD hoặc thậm chí 200 USD/thùng nếu người mua tiếp tục né tránh dầu thô của Nga. Xu hướng đó có thể khiến giá xăng ở Mỹ vượt qua mức 5 USD/gallon (tương đương 30.000 đồng/lít) - một kịch bản mà bất kỳ ai cũng muốn tránh.
Theo ông Morgan Bazilian, Giám đốc Viện Payne tại Trường Mỏ Colorado, lệnh cấm vận của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga hiện đang rất hấp dẫn về mặt chính trị. Tuy nhiên, các chính trị gia hiện đang ủng hộ lệnh cấm "sẽ quay lại công kích ông Biden nếu lệnh cấm khiến giá xăng ở Mỹ tăng thêm".
Theo chuyên gia Claudio Galimberti - nhà phân tích tại công ty Rystad Energy, nếu Nga bị loại khỏi thị trường toàn cầu, các quốc gia như Iran và Venezuela có thể được "chào đón trở lại" với tư cách là nguồn cung cấp dầu mỏ. Những nguồn bổ sung như vậy có thể có khả năng ổn định giá cả.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết một nhóm quan chức Mỹ đã có mặt ở Venezuela vào cuối tuần qua để thảo luận về năng lượng và các vấn đề khác. Bà cho biết các quan chức đã thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cả an ninh năng lượng.