Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) trong năm qua gia tăng đến đỉnh điểm khi hai cường quốc liên tục đối đầu trên hàng loạt lĩnh vực từ thương mại, quốc phòng đến ngoại giao.
Tình hình chính trị trong nước của hai bên cũng khiến việc hòa giải trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ở Mỹ, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sau thời gian chia rẽ sâu sắc giờ lại đoàn kết trên mục tiêu chung là kìm hãm TQ. Trong khi đó ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang nỗ lực củng cố vị thế để trở thành nhà lãnh đạo cứng rắn và quyền lực nhất kể từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông đến nay.
Đối đầu chính trị - an ninh vẫn sẽ nóng
GS Wu Qiang, cựu giảng viên ĐH Thanh Hoa (TQ), dự đoán sự đối đầu giữa Mỹ và TQ vẫn sẽ tập trung ở các lĩnh vực như quyền con người, địa chính trị và an ninh. Theo ông, lãnh đạo hai bên đều đã đoán được điều này nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ có bước đi để giảm thiểu căng thẳng.
Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 được xem là dấu hiệu mở màn cho một năm 2022 nhiều trắc trở trong quan hệ Mỹ - Trung, khi Washington tuyên bố sẽ tẩy chay ngoại giao TQ thông qua việc không cử đoàn ngoại giao tham dự sự kiện này. Một số đồng minh khác của Mỹ như Anh, Úc và Canada sau đó cũng tuyên bố tẩy chay hưởng ứng. Về phần mình, TQ cáo buộc Mỹ không tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần phi chính trị hóa của Olympic, đồng thời cảnh báo sẽ có “biện pháp đáp trả kiên quyết”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11.
Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Căng thẳng nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục gia tăng từ đây đến tháng 2-2022 khi Olympic chính thức khai mạc vì Mỹ nhiều khả năng sẽ muốn tận dụng chiến dịch tẩy chay này càng triệt để càng tốt để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế tới các cáo buộc TQ vi phạm quyền con người ở Tân Cương.
Tình hình Đài Loan và Hong Kong cũng sẽ dễ khiến xung đột Mỹ và TQ leo thang. Trong năm qua, Mỹ liên tục khiến TQ phải “nóng mặt” khi liên tục bật đèn xanh cho các nghị sĩ nước này đến thăm Đài Loan, bên cạnh hàng loạt thông tin về quân đội Mỹ đang trực tiếp huấn luyện cho lực lượng phòng vệ hòn đảo.
Dự đoán trong năm 2022, TQ sẽ tiếp tục gây sức ép với Hong Kong và phản đối các nỗ lực nhằm công nhận Đài Loan là một vùng lãnh thổ độc lập về mặt ngoại giao.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng eo biển Đài Loan năm 2022 sẽ trở thành điểm nóng đầy nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang giữa Mỹ và TQ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), TQ vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 quan trọng dự kiến sẽ khai mạc vào đầu năm sau nên sẽ muốn mọi chuyện ở mức có thể kiểm soát được.
Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ không từ bỏ việc thực hiện các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế mà TQ đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Những hoạt động này nhiều khả năng sẽ còn nhộn nhịp hơn trước khi nhiều nước châu Âu đã cam kết sẽ can thiệp mạnh hơn vào khu vực này trong thời gian tới, đặc biệt là đối với Biển Đông. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội và củng cố năng lực hải quân để đối trọng. Nếu có khả năng xảy ra chạy đua vũ trang giữa hai bên thì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là nơi dễ thấy nhất, tuy nhiên căng thẳng có thể sẽ chỉ dừng tới đó và Mỹ - Trung sẽ cố hết sức để tránh chạm tới bờ vực chiến tranh.
Kinh tế - công nghệ sẽ có nhiều biến động
An ninh mạng sẽ là một vấn đề lớn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và chiến lược của cả Mỹ và TQ. Trong năm qua, Mỹ cáo buộc TQ đứng sau nhiều vụ tấn công mạng quy mô lớn tại nước này cũng như phản đối chiến lược triển khai công nghệ truyền thông thế hệ mới của TQ trên quy mô toàn cầu - đặc biệt là mạng 5G.
Trong bối cảnh như vậy, Washington vào năm sau nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực cô lập TQ khỏi môi trường công nghệ thế giới, thông qua duy trì các lệnh hạn chế công ty TQ tiếp cận các phần cứng quan trọng do Mỹ sản xuất. “Mỹ mới chỉ bắt đầu thắt chặt hạn chế đối với việc chuyển giao công nghệ cho TQ những năm gần đây và chắc chắn nước này sẽ có nhiều động thái mới vào năm sau” - bà Glaser nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm sau dự kiến sẽ giải quyết những lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực công nghệ - chẳng hạn như quy định cho phép các nhà sản xuất chất bán dẫn SMIC của TQ mua được công nghệ quân sự quan trọng của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ đưa thêm nhiều tổ chức và cá nhân TQ vào danh sách đen. Mỹ cũng đang thảo luận với đồng minh để bổ sung thêm biện pháp kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư nước ngoài trực tiếp vào TQ.
Về kinh tế, mức tăng trưởng của TQ được dự báo sẽ chậm lại vào năm sau, với một số tổ chức tài chính đưa ra con số vào khoảng 5%. Điều này có thể sẽ tạo động lực để Bắc Kinh hợp tác với Washington nhằm tháo dỡ thêm các rào cản thương mại từng được thiết lập dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Dù vậy, PGS Shen Ling thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Đông (TQ) nhận định mọi sự hạ nhiệt trong cạnh tranh kinh tế - thương mại giữa Mỹ và TQ nhiều khả năng chỉ là nhất thời, đối đầu vẫn là xu thế chủ đạo.
Đại sứ Trung Quốc muốn Mỹ “cạnh tranh công bằng hơn” Ngày 26-12, Đại sứ TQ tại Mỹ Tần Cương cáo buộc Mỹ đang lợi dụng thế cạnh tranh với TQ để kìm hãm sự phát triển của nước này. Đơn cử, các công ty TQ liên tục bị Mỹ cho vào danh sách đen; TQ cũng đang bị Mỹ và đồng minh cô lập khỏi các chuỗi dây chuyền công nghiệp, dây chuyền cung ứng và dây chuyền công nghệ cao toàn cầu. Ông Tần cũng không đồng ý với việc chính quyền Mỹ đang điều chỉnh quan hệ với TQ theo hướng lấy đối đầu làm chủ đạo. Theo ông, xu hướng như vậy bỏ qua thực tế rằng hợp tác đã trở thành xu hướng chủ đạo trong quan hệ của hai nước trong 40 năm qua. Trong báo cáo tình hình kinh tế toàn cầu Công ty tư vấn Cebr (Anh) đưa ra hôm 26-12, TQ được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2030, trễ hơn hai năm so với dự báo đưa ra trong báo cáo năm 2020. |