Điều tàu sân bay đến Biển Đông, Anh chỉ đơn giản muốn đối phó Trung Quốc?

Theo các nhà phân tích quân sự, sự hiện diện của hàng không mẫu hạm mới của Anh và kế hoạch triển khai thường trực hai tàu chiến tới châu Á đã phản ánh tham vọng trở thành một đấu thủ lớn trên toàn cầu của nước này.

Đồng thời, đây cũng được xem là hành động khẳng định cam kết của nước này với kế hoạch kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, theo tờ South China Morning Post.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: TWITTER

Hiện nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang ở Biển Đông để tập trận tự do hàng hải, cũng như tham gia diễn tập với một số quốc gia khác trong khu vực. 

Mang theo hơn 30 máy bay, nhóm tấn công bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên vào cuối tháng 5, tham gia các cuộc tập trận quân sự với các lực lượng Pháp, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hy Lạp, Israel và Ý cũng như các cuộc tập trận khác với Hàn Quốc, Nhật và Singapore.

Theo kế hoạch, nhóm tác chiến sẽ tiếp tục nhiệm vụ đến cuối năm nay.

Phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore tài trợ hôm 27-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết cả Anh và Mỹ muốn đóng góp cho lợi ích chung.

"Trong khi tìm cách cân bằng các nỗ lực của mình ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, chúng tôi không chỉ tìm cách hợp tác với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn muốn cùng làm việc với các quốc gia ở các khu vực khác trên thế giới" - ông Austin nói.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau cho biết London đã sử dụng chuyến đi đầu tiên của nhóm tấn công để cố gắng xây dựng lại uy tín và nêu bật cam kết tham gia cùng Pháp, Đức và Hà Lan trong việc hỗ trợ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

"Các chuyến thăm cấp cao và các cuộc tập trận hải quân chung dọc hành trình từ quê nhà đến Biển Đông đang tranh chấp là dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh của Hải quân Hoàng gia Anh sau nhiều thập niên bị thu hẹp. Đây sẽ là một cuộc huấn luyện tốt cho hải quân Anh" - ông Wong nói.

Theo ông, Mỹ hoan nghênh sự hỗ trợ của Anh trong việc ngăn chặn Trung Quốc vì Washington hiểu tầm ảnh hưởng của London trong khu vực, do nước này từng được mệnh danh là "đế quốc nơi mặt trời không bao giờ lặn".

Trong khi đó, ông Lu Li-Shih, chuyên gia quân sự ở Đài Loan, lưu ý rằng nhóm tấn công tàu sân bay của Anh đã tránh không khiêu khích Bắc Kinh khi không đi qua eo biển Đài Loan.

"Hành trình của nhóm tấn công tới châu Á là một cử chỉ chính trị để chỉ ra phản ứng của London đối với chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, nhưng hải quân Anh đã tỏ ra cẩn trọng để không khiêu khích Bắc Kinh" - ông Lu nói.

Theo ông, các cuộc tập trận chung của nhóm tấn công với các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung sẽ giúp London xây dựng lại hệ thống cung cấp và phối hợp hậu cần quân sự với NATO và các đồng minh khác. 

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho biết sứ mệnh nói trên đã để lại một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ ở châu Âu, nơi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu đặt ra mục tiêu kiềm chế Nga.
"Hành trình của nhóm tàu từ châu Âu sang châu Á được coi là một màn trình diễn chính trị. Nó nên 'ở nhà' để đối phó hải quân Nga" - ông Zhou nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm