Suốt bốn ngày diễn ra đại hội toàn quốc từ hôm 24 đến 27-8 của đảng Cộng hòa, hàng loạt gương mặt nổi bật trong đảng này cùng quan chức Nhà Trắng đã lần lượt lên phát biểu về nhiều khía cạnh của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump cùng chương trình nghị sự sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ hai nếu đắc cử.
So sánh những phát ngôn này với kỳ đại hội đảng Dân chủ tuần trước, hãng tin Bloomberg nhận định dường như giữa ông Trump và ứng viên Joe Biden vẫn bất đồng rõ rệt về một số vấn đề cơ bản của đường lối đối ngoại sắp tới dù vẫn tồn tại một số điểm tương đồng nhất định.
Nét đối ngoại nổi bật của hai ứng viên
Về phía Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa, nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối chính sách tương tự bốn năm qua. Trong đó, ông Trump cam kết duy trì “chủ nghĩa cô lập mới” trên nền tảng “Nước Mỹ trên hết” mà ông từng tuyên bố, cụ thể là tiếp tục rút Mỹ khỏi các tổ chức và hiệp ước không có lợi và chú trọng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ. Đặc biệt, trong hạng mục “chính sách ngoại giao đưa Mỹ dẫn đầu”, ông Trump nêu rõ “sẽ dừng các cuộc chiến tranh không có hồi kết, đưa binh lính về nước” và buộc các nước đồng minh của Mỹ phải chia sẻ công bằng chi phí quân sự.
Ngược lại, ứng viên Biden lại tuyên bố sẽ thay đổi toàn bộ chính sách ngoại giao và an ninh hiện hành của Tổng thống Trump và đổi mới năng lực lãnh đạo bằng các biện pháp cụ thể như tái thúc đẩy ngoại giao chủ động của nước Mỹ, tăng cường mở rộng hiện diện tại các điểm nóng trên toàn thế giới. Ngoài ra, ông Biden tuyên bố sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, chỉ ra rằng việc ông Trump rút khỏi các tổ chức, hiệp định này đã làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Washington.
Tuy nhiên, cả hai ứng viên đều tuyên bố sẽ tăng cường bảo hộ người lao động Mỹ, qua đó dự báo tiếp tục đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ông Biden và ông Trump cũng đồng thời chỉ ra các động thái thương mại bất công bằng của Trung Quốc (TQ) với hàm ý sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Bắc Kinh.
Ứng viên Joe Biden (phải) tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump (trái) vào tháng 1-2017. Ảnh: NPR
Tái thiết lập quan hệ đồng minh
Một điểm đáng chú ý khác là chính sách với các nước đồng minh của hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden. Tổng thống Trump nhấn mạnh về “phân chia chi phí quân sự công bằng” với các nước đồng minh mà Mỹ đang đóng quân hoặc có thỏa thuận tương trợ quốc phòng như Hàn Quốc, NATO, Đức hay Nhật Bản. Trong số này, có Hàn Quốc là đã đồng ý nâng mức chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ nhưng Washington vẫn tiếp tục gây sức ép, yêu cầu Seoul phải gánh vác thêm gánh nặng tài chính. Quá trình đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ đang diễn ra hết sức khó khăn.
Trong khi đó, ứng viên Biden chỉ trích ông Trump coi thường các nước đồng minh, làm giảm sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với nước Mỹ. Ông tự nhận mình là người giữ gìn trật tự quốc tế, nhấn mạnh hợp tác đa phương nhằm nâng cao vai trò của Mỹ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nếu đắc cử tổng thống, dự kiến ông Biden sẽ tuyên bố “tái thiết” quan hệ đồng minh với các nước, bao gồm cả NATO.
Ông Trump và ông Biden đại diện cho hai trường phái khác nhau về quan điểm lãnh đạo. Ông Trump muốn chứng tỏ sự ưu việt của Mỹ để các nước khác thán phục và thuận theo, trong khi ông Biden lại cho rằng muốn dẫn đầu thì nước Mỹ phải làm gương trước và bảo vệ được các giá trị của mình. Dù thế nào thì tôi nghĩ nước Mỹ cũng sẽ được lợi. SARAH GREER, chuyên gia tại Công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ) |
Tương lai quan hệ Mỹ - Trung ra sao?
TQ từ lâu đã luôn là vấn đề trọng tâm của các đời tổng thống Mỹ và cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới cũng không phải là một ngoại lệ. Chính quyền Tổng thống Trump thời gian gần đây đã liên tục gia tăng sức ép đối với TQ thông qua việc khởi xướng cuộc chiến thương mại, hối thúc đồng minh loại bỏ các công ty TQ ra khỏi mạng 5G và trừng phạt Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Hong Kong. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động quân sự tại các điểm nóng như Biển Đông, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ đồng minh và đẩy lùi hành vi bắt nạt, cưỡng ép của TQ.
Tại đại hội đảng Cộng hòa, ông Trump tiếp tục quy trách nhiệm TQ là nước làm lây lan đại dịch COVID-19 ra toàn cầu và khẳng định nhiệm kỳ tới sẽ làm mọi cách để buộc Bắc Kinh phải bồi thường. Nhìn chung, chính sách TQ nhiệm kỳ tới của ông Trump sẽ không có nhiều thay đổi mà sẽ giữ nguyên áp lực và thế đối đầu như hiện tại.
Trong khi đó, theo cương lĩnh hoạt động năm 2020 vừa công bố của đảng Dân chủ, đảng này và ứng viên Joe Biden dù cùng quan điểm nên cứng rắn hơn với Bắc Kinh lại khẳng định sẽ tách biệt rõ ràng kinh tế và ngoại giao để giảm sự phụ thuộc vào TQ. Mục đích là vừa có thể ngăn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng mà lại không ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế song phương. Đảng Dân chủ đưa ra nêu rõ sẽ không dấn thân vào “cuộc chiến thuế quan đơn phương có thể dẫn đến thất bại” hoặc “rơi vào bẫy của cuộc chiến tranh lạnh mới”.
Bên cạnh đó, phe Dân chủ cũng sẽ không coi quân sự là mặt trận chủ chốt trong cạnh tranh Mỹ - Trung ngay cả trong nỗ lực ngăn chặn và đối phó với các hành vi gây hấn của TQ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan mà sẽ cạnh tranh thông qua văn hóa, chính trị và ngoại giao. Trước đó, khi còn phục vụ cho chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, ông Biden từng đề xuất với các quan chức TQ ý tưởng xây dựng một số quy tắc cơ bản để không khiến các vụ việc xảy ra ngoài ý muốn leo thang thành khủng hoảng nhưng Bắc Kinh đã từ chối đề xuất này.
Đụng độ dữ dội phe ủng hộ và phe phản đối ông Trump Hôm 29-8, một đoàn xe lớn gồm những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump và những người biểu tình hưởng ứng phong trào Black Lives Matter (Quyền sống của người da màu) đã đụng độ dữ dội trên đường phố TP Portland (thuộc bang Oregon) khiến ít nhất một người bị bắn chết, theo đài CNN. Phóng viên CNN cho hay có ba tiếng súng và sau đó quan sát thấy cảnh sát và nhân viên y tế được huy động đến hiện trường nơi nạn nhân bị bắn gục. Nạn nhân được xác định là một người đàn ông da trắng, đội chiếc mũ có biểu tượng của một nhóm cực hữu tại Portland từng đụng độ với những người biểu tình. Cảnh sát không tiết lộ thêm chi tiết nào và đã có mặt tại hiện trường để điều tra sau khi vụ việc xảy ra. |