Hạ viện Mỹ bỏ luật điều động quân đội phát động chiến tranh ở Iraq

Với 268 phiếu thuận trên 161 phiếu chống, Hạ viện Mỹ hôm 17-6 đã quyết định bãi bỏ Luật Ủy quyền Điều động Quân đội (AUMF) năm 2002, một sắc luật ban đầu nhắm đến Iraq nhưng sau đó được sử dụng để biện minh cho các chiến dịch quân sự khác, hãng tin AP cho biết.

Cùng ủng hộ bãi bỏ luật này có 49 thành viên đảng Cộng hòa cùng 219 thành viên đảng Dân chủ. 

Phát biểu về quyết định này, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Gregory Meeks nhấn mạnh cần phải bãi bỏ AUMF 2002 mà theo ông đã “bị lạm dụng” trong thời gian qua dù chế độ Hussein đã chấm dứt từ lâu.

“Việc bãi bỏ AUMF 2002 là rất quan trọng. Nó đã được sử dụng để biện minh cho các hành động quân sự chống lại các thực thể không liên quan gì đến chế độ độc tài của ông Saddam Hussein” - theo ông Meeks.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Gregory Meek. Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngầm nhắc đến vụ việc xảy ra vào tháng 1-2020 khi Lầu Năm Góc cho triển khai máy bay không người lái ám sát Tướng Qassem Soleimani (thuộc Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran).

Cuộc tấn công đã làm dấy lên cơn thịnh nộ trên toàn cầu. Vài ngày sau, Iran đáp trả bằng một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq, nơi đóng quân của phần lớn lực lượng Mỹ ở nước này, trong khi Quốc hội Iraq bỏ phiếu yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi đất nước mình.

Tướng Qassem Soleimani (thuộc Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran) đã bị Mỹ ám sát hồi đầu tháng 1-2020. Ảnh: REUTERS

Được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ký thành luật, AUMF 2002 xây dựng trên nền tảng của luật AUMF 2001. AUMF 2001 được thông qua sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 cho phép Mỹ mở màn các hành động quân sự ngoài vùng chiến sự nếu các mục tiêu có dính líu tổ chức khủng bố al-Qaeda. 

Sau đó, AUMF 2002 chính thức mở đường cho chiến dịch quân sự chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Iraq, hợp pháp hóa kế hoạch tấn công phủ đầu để lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003.

Trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Iraq sau đó, ước tính có khoảng 450.000 người Iraq thiệt mạng, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2013, hai năm sau khi quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia này, theo AP.

Động thái bãi bỏ AUMF 2002 của Hạ viện Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Summer. Dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện cân nhắc.

Hiện Thượng viện Mỹ cũng đang tìm cách bãi bõ một đạo luật tương tự, là AUMF 1991. Luật này cho phép sử dụng lực lượng quân sự Mỹ trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh.

Nếu cả hai được thông qua, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều sẽ phải điều chỉnh hai dự luật này trước khi có thể trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký thành luật.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm