Trong bài xã luận đăng ngày 5-9, tờ China Daily khẳng định phong trào biểu tình Hong Kong nên chấm dứt và “ngừng các hoạt động bạo lực” sau khi trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố rút bỏ dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đại lục một ngày trước đó.
Theo bài báo này, động thái nhượng bộ nói trên của chính quyền Hong Kong là “một sự phản hồi chân thành tới tiếng nói của toàn thể cộng đồng (...) hành động này cũng có thể xem như là một cành olive chìa ra cho những ai chống đối dự luật này trong suốt nhiều tháng qua”.
Được biết qua việc rút lại dự luật dẫn độ ngày 4-9, chính quyền Hong Kong đã nhượng bộ và đáp ứng một trong năm yêu cầu mà phe phản đối đưa ra bao gồm: Chính thức rút dự luật dẫn độ; thành lập ủy ban điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình; ân xá cho những người bị bắt; dừng gọi các cuộc biểu tình là bạo loạn; khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.
Rút dự luật dẫn độ: Quá ít, quá trễ
Phần đông người biểu tình khẳng định sẽ tiếp tục xuống đường cho đến khi cả năm yêu cầu trở thành hiện thực. Hồi cuối tháng 8-2019, số liệu khảo sát do Viện Nghiên cứu công luận Hong Kong (HKPORI) tiến hành cho thấy mức độ hài lòng đối với bà Carrie Lam trên 1.000 người khảo sát giảm xuống mức báo động (25%). Trong khi đó, mức tín nhiệm đối với chính quyền Hong Kong giảm xuống còn 27%. HKPORI nhận định đây là những con số thấp nhất trong suốt lịch sử phát triển của vùng lãnh thổ này.
Trả lời phỏng vấn của đài Al Jazeera, luật sư Hermione, một người tham gia biểu tình, khẳng định việc lãnh đạo đặc khu rút dự luật dẫn độ chỉ nung nấu quyết tâm đấu tranh phản đối đến cùng của bà và phe phản đối. “Tôi cho rằng việc chính quyền Hong Kong hy vọng người dân dừng lại trong khi chỉ đáp ứng một trong số năm yêu cầu là một ý nghĩ viển vông và ngây thơ. Không ai còn tin bà Lam nữa, vì thế mọi phát ngôn của bà đều bị xem là một chiến thuật đánh lạc hướng và phân tán phong trào biểu tình” - bà Hermione giải thích.
Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo việc rút dự luật dẫn độ chỉ có tác dụng tạm thời và nhiều khả năng sẽ không ngăn được biểu tình nổ ra trong tương lai.
Người biểu tình đụng độ cảnh sát Hong Kong trong đợt xuống đường ngày 28-7. Ảnh: AP
“Mục tiêu của phong trào biểu tình Hong Kong từ giữa tháng 7 đã dịch chuyển hoàn toàn từ chống dự luật dẫn độ sang phản đối các cuộc đối đầu giữa cảnh sát và phe phản đối” - nghị sĩ Hong Kong Michael Tien cho biết. Được biết đây là giai đoạn ghi nhận mức độ bạo lực cao nhất giữa hai bên khi cảnh sát bắt giữ hàng trăm người biểu tình và triển khai các khí tài chống bạo động mới.
Ông Tien đồng thời cũng tiết lộ sở dĩ bà Lam cho đến nay vẫn chưa triển khai các điều tra độc lập vào vấn đề trên là bởi trưởng đặc khu lo ngại sẽ gây ra những ảnh hưởng “không lường trước được” trong nội bộ lãnh đạo lực lượng này, theo tờ The New York Times.
Trong khi đó, nghị sĩ Claudia Mo chỉ trích quyết định của bà Lam chỉ đơn thuần “là một động thái tính toán chính trị”. “Ngay cả việc bà ấy phải mất gần ba tháng để ra quyết định rút bỏ là rất trễ và hoàn toàn chưa đủ trong bối cảnh căng thẳng hiện nay” - bà Mo khẳng định.
Chúng tôi kiên quyết rằng toàn bộ năm yêu cầu của chúng tôi phải được đáp ứng và đây là quyết định của chúng tôi. Bắc Kinh hiện muốn chính quyền Hong Kong rút lại dự luật. Đây thật ra là một sự sắp xếp nhỏ nhằm ngăn người dân Hong Kong xuống đường trước ngày quốc khánh nhưng các hoạt động biểu tình của chúng tôi sẽ tiếp tục. Cựu thủ lĩnh sinh viên phong trào Dù vàng 2014 Hoàng Chi Phong |
Điều gì đang chờ Hong Kong ở phía trước?
Trong buổi họp báo ngày 5-9, trưởng đặc khu Carrie Lam bày tỏ hy vọng việc rút dự luật gây tranh cãi sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Theo tờ South China Morning Post, nữ lãnh đạo cũng thông báo kế hoạch đối thoại với người dân để lắng nghe quan điểm và những bất bình. đồng thời, Hong Kong sẽ thành lập ủy ban gồm các học giả, chuyên gia nhằm đánh giá nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để cố vấn cho chính quyền giải pháp.
Tuy vậy, GS Willy Lam thuộc ĐH Hong Kong, cho rằng khả năng hai bên tiến hành đối thoại thật sự rất thấp trong thời gian tới. “Phần đông người biểu tình, nhất là giới trẻ và học sinh, đã nhiều lần khẳng định họ không có hứng thú thảo luận với bà Lam” - chuyên gia Willy Lam nói. Ông đề xuất chính quyền đặc khu cần thực thi những biện pháp thiết thực và cấp bách hơn, trong đó bao gồm tiến hành điều tra độc lập cảnh sát Hong Kong như yêu cầu của người biểu tình.
“Họ (lãnh đạo đặc khu) cũng cần bổ nhiệm những gương mặt mới vào lực lượng cảnh sát (...) nếu lực lượng trị an của chúng ta liên tục làm người dân sợ hãi, chính quyền Hong Kong sẽ rất khó để có thể tạo ra những thay đổi trong tương lai” - GS Willy Lam nói.
Bên cạnh đó, tờ The Guardian cảnh báo vẫn còn khả năng Trung Quốc cân nhắc đưa quân can thiệp vào Hong Kong. Theo đó, tờ này nhận định các ngôn từ được sử dụng gần đây trên truyền thông đại lục cho thấy Bắc Kinh đang mất dần kiên nhẫn trước các diễn biến không ngừng ở Hong Kong, nhất là khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra Quốc khánh lần thứ 70 của Trung Quốc (ngày 1-10).
Anh, Úc hoan nghênh quyết định hủy bỏ luật dẫn độ của Hong Kong Phản ứng về tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 4-9 cho biết: “Đây là những bước đi xây dựng lòng tin đáng được hoan nghênh. Tôi hy vọng (những bước đi này) sẽ dẫn tới một cuộc đối thoại ý nghĩa giữa chính quyền và người dân Hong Kong”. Ngày 5-9, ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định này, khẳng định đây là bước đi tích cực trong việc đáp ứng những yêu cầu của người biểu tình. Bà Payne cho biết Canberra khuyến khích mọi nỗ lực giải quyết tình hình tại Hong Kong một cách hòa bình, dựa trên đối thoại và cam kết đàm phán, hướng tới một giải pháp lâu dài. Cùng ngày, phát ngôn viên của Công đảng Úc Penny Wong cũng bày tỏ hoàn toàn ủng hộ hành động của trưởng đặc khu Carrie Lam. Công đảng cũng kêu gọi người biểu tình giữ hòa bình và các nhà chức trách Hong Kong cần đảm bảo các hành động ôn hòa, hướng tới một giải pháp hòa bình. |