“Chính quyền Hong Kong, gồm ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp cùng với tất cả thành phần của xã hội phải coi ‘hạn chế hỗn loạn và kiềm chế bạo lực” là nhiệm vụ cấp bách nhất của thành phố và là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là đối với những tên tội phạm bạo lực chủ chốt và những kẻ chủ mưu đằng sau chúng, những tổ chức và những kẻ kích động, chúng ta sẽ không nhân nhượng và đấu tranh tới cùng”, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) Yang Guang nói tại một cuộc họp báo ngày 3-9.
Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO) Yang Guang. Ảnh: SCMP
Đây cuộc họp báo lần thứ tư của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng ở Hong Kong, là lời kêu gọi đầu tiên của Bắc Kinh đối với các thể chế lập pháp và tư pháp của thành phố này nhằm phối hợp các nỗ lực của chính quyền chấm dứt bạo lực và tình trạng hỗn loạn ở đặc khu này.
Một phát ngôn viên của Hội đồng lập pháp Hong Kong cho biết sẽ không bình luận về các tuyên bố của ông Yang. “Các tòa án sẽ luôn xử lý các trường hợp hoàn toàn theo luật pháp”, người này khẳng định.
Cũng trong ngày 3-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liệt các vấn đề Hong Kong và Macau cùng với các vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại vào danh sách các lĩnh vực sẽ đối mặt với các cuộc xung đột lớn và “phức tạp” khi ông Tập triệu tập đội ngũ cán bộ, yêu cầu họ cố gắng chống lại bất cứ thế lực nào sẽ đe dọa quy tắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo SCMP.
“Sẽ có nhiều cuộc đấu tranh lớn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sinh thái, quốc phòng, Hong Kong, Macau và Đài Loan, đối ngoại, xây dựng đảng,… và chúng đang ngày càng phức tạp hơn”, ông Tập nói tại Trường Đảng Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, nơi đào tạo các quan chức cấp cao của nước này.
Trong bài phát biểu khai mạc tại cuộc họp báo ở HKMAO về làn sóng biểu tình ở Hong Kong khởi phát từ dự luật dẫn độ, ông Yang cũng nhắm đến rộng hơn các cơ quan khác.
Người biểu tình chống chính quyền Hong Kong tụ tập tại Causeway Bay hôm 31-8. Ảnh: SCMP
“Tất cả cơ quan công quyền nên hành động nhanh chóng và dứt khoát. Luật pháp không thể mủi lòng”, ông Yang nói.
Thông qua tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh trong những tuần gần đây chỉ trích nhà vận hành đường sắt của Hong Kong, Công ty MTR Corporation, không đối phó quyết liệt với những người biểu tình khi họ cản trở các đoàn tàu và sử dụng tàu làm phương tiện dễ dàng để trốn chạy cảnh sát.
Ông Yang cũng bóng gió rằng bất kỳ sự phục hồi tiến trình cải cách bầu cử của Hong Kong đều phải dựa trên khuôn khổ, trong đó sẽ cho phép Bắc Kinh sàng lọc các ứng viên mà chính phủ Trung Quốc xét thấy không xứng đáng.
“Chỉ với khuôn khổ đó mới có thể có được một trưởng đặc khu hành chính yêu đất nước và Hong Kong, là người đáng tin cậy đối với chính quyền trung ương và được người dân Hong Kong chấp nhận thông qua bầu cử phổ thông”, ông Yang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Yang, bất kỳ sự thảo luận nào về bầu cử phổ thông ở Hong Kong sẽ phải tuân thủ hiến pháp của Hong Kong, Luật Cơ bản và các quyết định của Ủy ban Thường vụ quốc hội Nhân dân Trung Quốc (NPCSC).
NPCSC, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, thiết lập khuôn khổ “831” cứng rắn đối với cải cách chính trị vào ngày 31-8-2014. Khuôn khổ này đặt ra quy định nếu Hong Kong sắp bầu lãnh đạo thông qua bầu bỏ phiếu phổ thông, theo truyền thống một ủy ban gồm 1.200 thành viên là các quan chức trung thành với Bắc Kinh sẽ sàng lọc trước và đề cử hai hoặc ba ứng viên sẽ được chọn làm lãnh đạo Hong Kong thông qua bầu cử mỗi người một phiếu, theo SCMP.
Dự luật này đã không được Hội đồng lập pháp Hong Kong thông qua và là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc biểu tình rầm rộ suốt 79 ngày qua ở Hong Kong.
“Không có vấn đề gì khi cải cách bầu cử sẽ khởi động lại, song bỏ phiếu phổ thông ở Hong Kong phải tuân thủ Lật Cơ bản và quyết định liên quan do NPCSC đưa ra”, ông Yang nói.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi biểu tình Hong Kong bắt đầu hồi tháng 6 HKMAO tuyên bố chi tiết về lập trường khởi động lại các cuộc thảo luận về bầu cử phổ thông cho thành phố này. Đây một trong năm yêu cầu mà người biểu tình đưa ra và là một vấn đề các nhà lập pháp đối lập cho là mấu chốt của sự bất mãn sâu sắc trong xã hội.
Cảnh sát chạy qua những mảnh vỡ bị người biểu tình đốt cháy hôm 3-8. Ảnh: GETTY
“Ba bước gồm đề cử, bầu cử và bổ nhiệm đóng vai trò quan trọng. Bầu cử phổ thông của Hong Kong chỉ có thể được thực hiện theo cách này, không có lựa chọn nào khác”, ông Yang nhấn mạnh.
Ông Yang cũng gọi những người biểu tình cực đoan là “điên rồ” khi phá hủy quốc huy, đốt cờ Trung Quốc…
“Bất kể điều gì thúc đẩy người dân, bao gồm các bạn sinh viên trẻ, phản đối thông qua tuần hành và tụ tập, miễn sao họ tham gia một cách hòa bình và hợp pháp thì sẽ được cho phép theo luật pháp “một quốc gia, hai chế độ””, ông Yang nói thêm.
Cũng tại buổi họp báo ngày 3-9, người phát ngôn của HKMAO Xu Luying đã bỏ qua câu hỏi của một phóng viên về việc liệu Bắc Kinh có ra hạn chót cho Hong Kong chấm dứt khủng hoảng hay không.
Người này chỉ nói: “Càng kết thúc sớm tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong càng tốt”.