Trước đó trong mùa hè này, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã gửi một bản báo cáo tới Bắc Kinh để đánh giá năm yêu cầu quan trọng của người biểu tình. Đồng thời bà Lâm thấy rằng việc rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang ở TP này.
Ba nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters ngày 30-8 rằng chính quyền trung ương Trung Quốc đã phản đối đề xuất của bà Lam rút lại dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội ở Hong Kong sang Trung Quốc đại lục xét xử, và yêu cầu bà không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình vào thời điểm này.
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Ảnh: GETTY
Việc Bắc Kinh từ chối đề xuất của bà Lam về cách giải quyết khủng hoảng lần đầu tiên được hãng Reuters tiết lộ chi tiết. Reuters cho rằng đây là bằng chứng cụ thể cho thấy mức độ Trung Quốc đang kiểm soát cách phản ứng của chính quyền Hong Kong trước sự bất ổn này.
Bà Lâm đưa ra bản báo cáo trước cuộc họp ngày 7-8 ở TP Thâm Quyến về Hong Kong do các quan chức cấp cao của Trung Quốc chủ trì. Cuộc họp nhằm nghiên cứu tính khả thi của năm yêu cầu mà người biểu tình đưa ra, phân tích liệu việc thừa nhận các yêu cầu này thì có thể làm tình hình lắng xuống hay không, các nguồn tin riêng của Reuters cho biết.
Năm yêu cầu của người biểu tình gồm: rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, điều tra độc lập về các cuộc biểu tình, bầu cử dân chủ toàn diện, bỏ từ “bạo động” khi mô tả các vụ biểu tình và bỏ các cáo buộc chống lại những người biểu tình đã bị bắt.
Theo một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Hong Kong, việc rút dự luật và tổ chức một cuộc điều tra độc lập được xem là khả thi nhất về mặt chính trị. Người này cho rằng động thái này được đánh giá là có thể giúp xoa dịu một số người biểu tình ôn hòa hơn, những người đã tức giận trước sự im lặng của bà Lam.
Người biểu tình Hong Kong chĩa bút laser vào một đồn cảnh sát trong cuộc biểu tình ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Dự luật dẫn độ là một trong những vấn đề chính thúc đẩy làn sóng biểu tình với hàng triệu người xuống đường ở Hong Kong hơn hai tháng qua. Bà Lâm nói rằng dự luật đã “chết” nhưng từ chối nói thẳng dự luật đã được “rút lại”.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Hong Kong, Bắc Kinh đã yêu cầu bà Lâm không rút lại dự luật, cũng như không mở cuộc điều tra vào các cuộc biểu tình, trong đó có cáo buộc lực lượng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức.
Một nguồn tin khác tiết lộ với điều kiện giấu tên xác nhận chính quyền Hong Kong đã gửi bản báo cáo này cho Bắc Kinh.
“Họ nói không đối với tất cả năm yêu cầu. Tình hình phức tạp hơn nhiều so với mọi người nghĩ”, nguồn tin nói.
Nguồn tin thứ ba của Reuters là một quan chức cấp cao của Trung Quốc. Vị này cho hay chính quyền Hong Kong đã gửi báo cáo lên Nhóm điều phối trung tâm về các vấn đề Hong Kong và Macau – nhóm cấp cao do Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Han Zheng đứng đầu. Người này còn nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có biết về bản báo cáo.
Vị quan chức xác nhận Bắc Kinh đã phản đối đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình và muốn chính quyền bà Lam chủ động hơn.
Trong một thông cáo trả lời Reuters, văn phòng của Trưởng Đặc khu Hong Kong cho hay chính quyền của bà Lam đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm giải quyết những lo ngại của người biểu tình, song không trực tiếp bình luận liệu chính quyền Hong Kong có đưa ra một đề xuất như vậy hay nhận chỉ đạo từ chính quyền Bắc Kinh hay không.
Các câu hỏi bằng văn bản gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được chuyển tới Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau (HKMAO). Tuy nhiên, HKMAO từ chối trả lời.
Reuters cũng chưa nhìn thấy báo cáo này. Hãng tin này cũng không thể thiết lập thời gian chính xác việc Bắc Kinh phản đối kế hoạch của chính quyền Hong Kong.
Một binh sĩ Trung quốc đứng gác lối vào trụ sở Đơn vị đồn trú của Trung Quốc tại Hong Kong ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Hai nguồn tin Hong Kong cho biết bản báo cáo được gửi trong thời gian từ ngày 16-6 (một ngày sau khi bà Lam thông báo đình chỉ dự luật dẫn độ) đến ngày 7-8 (thời điểm HKMAO và Văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hong Kong tổ chức một diễn đàn ở Thâm Quyến gần đó với sự tham dự của gần 500 nhân vật thuộc quân đội và doanh nhân từ Hong Kong).
Hơn hai tháng biểu tình đã kéo Hong Kong rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi Anh trao trả TP này cho Trung Quốc đại lục năm 1997.
Ban đầu bắt đầu với một phong trào phản đối dự luật dẫn độ sau lan thành một chiến dịch rộng hơn đòi hỏi các quyền rộng hơn và nền dân chủ, đặt ra thách thức trực tiếp cho chính phủ Trung Quốc.
Một doanh nhân giấu tên tham dự cuộc họp ở Thâm Quyến và đã gặp bà Lâm gần đây nói rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép bà ấy rút dự luật.
Thủ lĩnh phong trào biểu tình "ô dù" ở Hong Kong Hoàng Chi Phong đã bị bắt. Ảnh: REUTERS
Tại cuộc họp ở Thâm Quyến, ông Zhang Xiaoming, người đứng đầu HKMAO, trong các nhận xét công khai trên truyền hình nói rằng nếu tình trạng hỗn loạn vẫn leo thang, “chính quyền trung ương phải can thiệp”.
Kể từ đó, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã đưa ra đường lối cứng rắn hơn. Chẳng hạn, các quan chức Trung Quốc đã gắn kết một số người biểu tình với “chủ nghĩa khủng bố”, cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tiến hành tập trận gần ranh giới Hong Kong, một số công ty Hong Kong đã bị gây sức ép đình chỉ nhân viên ủng hộ các cuộc biểu tình và các nhân viên an ninh đã lục soát một số thiết bị kỹ thuật số của những người du lịch vào Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã lên án các cuộc biểu tình và cáo buộc các thế lực bên ngoài kích động bất ổn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần cảnh báo các quốc gia khác không can thiệp vào Hong Kong, khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.