Anh và Mỹ hôm 19-5 yêu cầu Nga chấm dứt việc đưa lính đánh thuê tham gia xung đột ở Libya sau khi một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc (LHQ) xác nhận có sự hiện diện của binh sĩ Nga và binh sĩ Syria tại quốc gia Bắc Phi này, theo kênh Al Jazeera.
Nga đã bác yêu cầu này tại cuộc họp từ xa của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hôm 19-5. Phía Nga cũng lần nữa phủ nhận chuyện nước này có binh sĩ tại Libya, đồng thời gọi báo cáo của LHQ là không đáng tin cậy.
Liên Hợp Quốc xác nhận 1.200 lính đánh thuê Nga có mặt ở Libya
Kênh Al Jazeera dẫn một báo cáo bị rò rỉ mới đây của LHQ cho biết hiện đang có khoảng 1.200 lính đánh thuê thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga đang hoạt động ở Libya. Số lính đánh thuê tại Libya chủ yếu là người Nga, ngoài ra còn có một số lượng đến từ Belarus, Moldova, Serbia và Ukraine, báo cáo cho biết.
Nhiệm vụ của số lính đánh thuê này là ủng hộ cuộc chiến của Nguyên soái Khalifa Haftar – Chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA - đóng ở TP Benghazi) chống lại Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận đóng ở thủ đô Tripoli.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nếu có công dân Nga tại Libya thì họ cũng không đại diện cho nhà nước Nga và cũng không được chính phủ Nga trả tiền.
Báo cáo còn tiết lộ có sự hiện diện của các binh sĩ Syria thuộc chính phủ Damascus tại Libya để ủng hộ cho Tướng Haftar.
Ngoài ra, báo cáo của LHQ xác nhận phe nổi dậy ở Syria đang chiến đấu ở Libya nhằm ủng hộ GNA. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn từ cuối năm 2019.
Báo cáo mật của LHQ do các chuyên gia LHQ giám sát lệnh cấm vận vũ khí áp vào Libya soạn thảo.
Anh - Mỹ lên án vai trò của Nga trong xung đột Libya
“Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước các báo cáo nói rằng các lực lượng bên ngoài tiếp tục cung cấp vật chất, thiết bị và lính đánh thuê (ở Libya)” - ông Jonathan Allen, Phó đại diện thường trực của Anh tại LHQ, cho biết.
Theo báo cáo mật của Liên Hợp Quốc, có tới 1.200 nhân viên thuộc nhà thầu quân sự tư nhân Wagner Group của Nga có mặt ở Libya để giúp lực lượng của ông Haftar. Ảnh: AP
Ông Allen đặc biệt chỉ ra một nhóm an ninh tư nhân của Nga - Wagner Group.
“Các hoạt động của Wagner Group tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và kéo dài nỗi thống khổ của người dân Libya” - ông Allen nói thêm.
Đề cập lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya từ năm 2011, đại diện của Anh nói thêm: “Tôi muốn hối thúc tất cả thành viên của HĐBA tôn trọng các nghị quyết của hội đồng này, những nghị quyết mà chính họ đã bỏ phiếu ủng hộ”.
Về phía Mỹ, Đại sứ nước này tại LHQ - bà Kelly Craft nói rằng “tất cả lực lượng tham gia xung đột ở Libya phải ngay lập tức đình chỉ các chiến dịch quân sự”.
“Họ phải chấm dứt việc chuyển giao thiết bị quân sự và nhân sự nước ngoài tới Libya, bao gồm cả lực lượng lính đánh thuê Wagner Group như Anh đã đề cập" - bà Craft nói.
Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA hôm 19-5, Quyền Đại diện đặc biệt của LHQ về Libya - bà Stephanie Williams nói rằng LHQ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng quân sự đáng báo động khi những lực lượng nước ngoài liên tục cung cấp vũ khí sát thương hiện đại tới Libya.
“Kết luận duy nhất chúng ta có thể rút ra là cuộc chiến này sẽ dữ dội và sâu rộng hơn” - bà Williams nói.
Phái viên của LHQ cho hay sự leo thang này sẽ đem đến những hậu quả tàn khốc cho người dân Libya.
Nga nói hoàn toàn vô căn cứ
Đáp trả những tuyên bố của phía Anh và Mỹ, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia chỉ trích đây chỉ là “suy đoán”.
“Phần lớn báo cáo này dựa vào dữ liệu chưa được kiểm chứng và hoàn toàn bịa đặt nhằm mục đích hạ thấp uy tín chính sách của Nga tại Libya” - ông Nebenzia nói.
Lực lượng chính phủ Libya tham gia Chiến dịch Bão hòa bình chống lại lực lượng ông Haftar hồi tháng trước. Ảnh: Anadolu
“Nhiều dữ liệu, đặc biệt dữ liệu liên quan tới công dân Nga được nhắc tới trong báo cáo hoàn toàn vô căn cứ. Không có quân nhân Nga nào ở Libya” - ông Nebenzia nói tiếp.
“Kiên định và rõ ràng”
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nước hậu thuẫn chính cho ông Haftar, hôm 19-5 nói rằng UAE tin rằng con đường duy nhất được chấp nhận trong cuộc khủng hoảng Libya bao gồm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện và trở lại tiến trình chính trị, theo một tuyên bố từ ông Anwar Gargash - Bộ trưởng Ngoại giao UAE.
“Lập trường của UAE đối với cuộc khủng hoảng Libya là kiên định và rõ ràng và được phần lớn cộng đồng quốc tế đồng tình" - ông Gargash viết trên Twitter.
Cùng với UAE, Ai Cập cũng là nước ủng hộ ông Haftar.
Phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA và từng cáo buộc UAE mang hỗn loạn tới khu vực khi can thiệp vào Libya và Yemen.
Sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn năm 2011, Libya chìm vào khủng hoảng. Quốc gia Bắc Phi này hiện bị chia rẽ thành hai khu vực do hai phe quyền lực kiểm soát. Lực lượng LNA do Nguyên soái Haftar chỉ huy kiểm soát TP Benghazi và miền Đông, còn lực lượng GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo kiểm soát thủ đô Tripoli và miền Tây. Đầu tháng 4-2019, ông Haftar phát động chiến dịch quân sự đánh chiếm Tripoli. Vài ngày sau, các lực lượng của GNA cũng mở chiến dịch “Núi lửa giận dữ” để phản công LNA. |