Tạp chí Newsweek ngày 18-6 dẫn các báo cáo cho biết gần đây 25 thường dân đã bị Tổ chức Phòng vệ Quốc gia Karen (KNDO) – một trong hai cánh quân sự của Liên minh Quốc gia Karen (KNU) – sát hại, và lực lượng an ninh của chính quyền quân sự thiêu rụi một ngôi làng.
KNDO là một tổ chức chính trị của người dân tộc thiểu số Karen vốn đã ra sức tìm kiếm quyền tự trị nhiều hơn từ chính quyền trung ương trong nhiều thập niên. Chính quyền quân sự cho biết các thi thể là công nhân làm đường bị KNDO giam giữ và sát hại, theo hãng tin AP. Một phát ngôn viên của KNDO nói với mạng tức Irrawaddy rằng những người này không phải dân thường mà là gián điệp quân đội.
Các binh sĩ thuộc KNU. Ảnh: THE BANGKOK POST
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 17-6, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi “tất cả tác nhân trong cuộc khủng hoảng hiện nay đảm bảo rằng các quy tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được tôn trọng”.
Tuyên bố nói thêm: “Điều này bao gồm việc duy trì nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại ngoài dự kiến đối với dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, đồng thời cấm áp dụng các hình phạt tập thể đối với cộng đồng, gia đình hoặc cá nhân”.
Trước đó vào ngày 16-6, KNU cũng đã ra tuyên bố cho biết họ sẽ thành lập một nhóm để điều tra vụ việc, khẳng định nhóm này “tuân theo Công ước Geneva không dung thứ cho việc giết hại dân thường trong xung đột vũ trang”.
Tuyên bố cho biết thêm rằng họ có thể hành động để truy tố bất kỳ hành vi sai trái nào theo luật liên quan nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.
Tuyên bố của LHQ kêu gọi “những người liên quan các vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm, bao gồm thủ phạm và hệ thống chỉ huy của họ”.
Truyền thông Myanmar hôm 14-6 đưa tin vào ngày 31-5, khoảng 30 thành viên KNDO đã bắt cóc 47 công nhân tại một công trường xây dựng và sau đó đã sát hại 25 người trong số này.
Theo Newsweek, việc đốt làng Kinma hôm 15-6 ở vùng Magway, miền trung Myanmar cũng là một vấn đề gây tranh cãi.
Một cư dân của ngôi làng đã xác nhận với AP rằng quân chính phủ đã đốt hầu hết khoảng 250 ngôi nhà trong làng và một cặp vợ chồng già không thể hoặc không muốn chạy trốn cùng những người dân trong làng được cho là đã bị chết cháy. Người này tiết lộ thông tin điều kiện giấu tên vì sợ bị trả đũa.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông do chính quyền quân sự kiểm soát đã đưa tin rằng”những kẻ khủng bố” phải chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn, cho rằng chúng đã thiêu rụi ngôi nhà của một người không có thiện cảm với sự nghiệp của chúng và sau đó gió đã làm cho ngọn lửa lan rộng.
Chính quyền quân sự và các đối thủ của họ đều gọi phe bên kia là “những kẻ khủng bố”.