Phát biểu tại Hạ viện Malaysia ngày 6-10, Ngoại trưởng cho biết Malaysia đang xem xét tổ chức đối thoại với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) nếu chính quyền quân sự không hợp tác với đồng thuận 5 điểm mà ASEAN đã thống nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng, theo hãng thông tấn Bernama.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và xã hội kể từ sau cuộc chính biến ngày 1-2, sau đó là chiến dịch trấn áp mạnh tay đối với những người biểu tình chống chính quyền quân sự.
Thống tướng Min Aung Hlaing (phải) trong buổi tiếp ông Erywan Yusof, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, hồi tháng 6. Ảnh: AFP
Cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng và ASEAN đã chỉ định một đặc phái viên mà chính quyền quân sự Myanmar đã cam kết hợp tác. Đây cũng là một trong thỏa thuận 5 điểm mà giới chức quân sự tại Naypyidaw đã đồng ý tuân theo.
Theo trang tin The Irrawady, nếu Malaysia tiếp xúc NUG, đây sẽ là quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với chính phủ song song của Myanmar, vốn được thành lập bởi các nhà lập pháp dân cử thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính quyền, vốn đang rất muốn tìm kiếm sự công nhận chính thức từ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia trong ASEAN, với tư cách là chính phủ hợp pháp của Myanmar.
Hôm 4-10, Ngoại trưởng Malaysia tuyên bố lãnh đạo cuộc chính biến ở Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing có thể bị loại khỏi hội nghị thượng đỉnh khu vực dự kiến diễn ra vào cuối tháng này do chính quyền quân sự không hợp tác với các nỗ lực của ASEAN.
Ông đã bày tỏ sự thất vọng của mình sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra cùng ngày, khi ông được thông báo rằng Naypyidaw vẫn không hợp tác với các điều khoản của thỏa thuận.
Đặc biệt, chính quyền quân sự đang ngăn cản chuyến thăm được đề xuất tới Myanmar của Đặc phái viên ASEAN Erywan Yusof, người đang tìm cách gặp gỡ tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng, bao gồm bà Suu Kyi và các thành viên khác của chính phủ do NLD lãnh đạo.
Ông Erywan Yusof, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên ASEAN vào tháng 8.
Tuy nhiên, cho đến nay Yusof mới chỉ được đề nghị gặp cựu Phó Tổng thống Henry Van Thio và cựu Chủ tịch Hạ viện T Khun Myat, The Irrawady dẫn các nguồn tin ở Myanmar cho biết.
Tiếp sau diễn biến này, Đặc phái viên ASEAN hôm 6-10 cho biết khối này đang thảo luận việc không mời Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28-10, sau khi vấn đề này được Ngoại trưởng Malaysia và những quan chức khác nêu ra.
“Cho đến hôm nay, không có tiến triển nào về việc thực hiện đồng thuận 5 điểm, và điều này đã làm dấy lên lo ngại” – ông Yusof nói.
Theo các nhà ngoại giao ở Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing rất muốn tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới, coi đó là một cách thể hiện tính hợp pháp của quân đội và là dấu hiệu cho thấy ASEAN “chấp nhận” chính quyền của ông ta.
Hôm 5-10, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu nhất trí công nhận NUG. Nếu hạ viện của Quốc hội Pháp thông qua cuộc bỏ phiếu, Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận chính phủ bóng tối của Myanmar.
Cùng ngày, Quốc hội Mỹ đưa ra Đạo luật Miến Điện (tên cũ của Myanmar), nhằm mục đích gây thêm áp lực lên chính quyền quân sự bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể đã giúp dàn dựng cuộc chính biến và những người chịu trách nhiệm cho chiến dịch trấn áp sau đó.
Đạo luật kêu gọi Washington gây áp lực buộc Liên Hợp Quốc phải có hành động quyết liệt hơn đối với Myanmar, xác định việc đàn áp những người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo là hành động diệt chủng, hậu thuẫn các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời cho phép viện trợ nhân đạo ở Myanmar, Bangladesh, Thái Lan và khu vực lân cận.