Bức tranh mang vứt đi được bán với giá 100.000 USD

Một bức tranh chưa từng được biết đến trước đây của danh họa người Áo Egon Schiele (1890-1918) vừa xuất hiện trong một cửa hàng từ thiện ở khu phố Queens, New York, Mỹ, 100 năm sau cái chết của họa sĩ. Người ta ước tính, bức tranh có thể được bán với giá hơn 100.000 USD (tương đương 2,3 tỉ đồng).

Bức tranh vẽ cô gái của danh họa Egon Schiele vừa được tìm thấy trong một cửa hàng bán đồ từ thiện. Ảnh:  ST. ETIENNE 

Bà Jane Kallir, giám đốc của phòng tranh nổi tiếng St. Etienne ở New York, người đã xuất bản cuốn sách về màu nước và tranh của Schiele vào năm 1990 nói rằng họa sĩ đã vẽ bức tranh này từ năm 1918, đúng vào năm ông qua đời vì dịch cúm Tây Ban Nha, giết chết hàng triệu người.

Bà Kallir nói rằng có một người đàn ông đã liên hệ bà vào năm ngoái sau khi ông này mua được bức tranh ở một cửa hàng từ thiện, nhưng hình chụp bức tranh quá mờ nên bà không thể đánh giá nhiều về nó.

"Chuyện này xảy ra hoài. Chúng tôi nhận được hàng trăm bức ảnh mỗi năm, và hầu như chúng đều là những bản nhái, tranh chép bị nhầm tưởng là tranh của Schiele. Sau đó chúng tôi đề nghị ông ấy cung cấp một bản chụp rõ hơn, và đến tận một năm sau ông ấy mới gởi lại", bà Kallir kể lại.

Bức ảnh chụp sau này khá hơn, và bà Kallir đã yêu cầu người đàn ông mang bức tranh tới phòng tranh. Bà Kallir cho biết bà cũng không xác nhận được người đàn ông là ai, bởi ông ta muốn ẩn danh. 

Bức tự  họa của họa sĩ người Áo Egon Schiele.

Khi bức tranh được mang đến, Kalliir tin chắc rằng 99% bức tranh là thật, nhưng bà phải mất thêm một thời gian nữa để so sánh với những tác phẩm khác của Schiele.

"Tôi muốn xem bản vẽ này có trùng khớp với các bản vẽ khác không và nó thật sự chính xác. Và tôi nói rằng: 'Vâng, chính nó!'", bà Kallir cho biết.

Được biết, họa sĩ Schiele từng vẽ 20 bức tranh về cô gái này và mẹ cô ta, và hiện chúng đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Leopold ở Vienna, Áo. Bà Kallir cho biết, bức tranh mới tìm thấy này cũng được thực hiện cùng thời điểm với những bức tranh kia.

Bức tranh hiện đang được bán tại phòng tranh của bà và được trưng bày như một phần của một cuộc triển lãm có tên gọi "The Art Dealer as Scholar".

Nếu có người mua bức tranh, người đàn ông ẩn danh có kế hoạch sẽ quyên góp một khoản cho quỹ từ thiện "Habitat for Humanity" ở thành phố New York, bà Kallir nói.

Bà Karen Haycox, giám đốc điều hành của "Habitat for Humanity" nói với tạp chí The Art rằng bà rất vui vì điều đó, mặc dù bà hơi sốc, nhưng điều này sẽ giúp ích được cho rất nhiều người.

Tác phẩm nghệ thuật suýt vào bãi rác

Bà Kallir nói rằng những chương trình TV như Antiques Roadshow" và "American Pickers" mang đến ấn tượng rằng có kho báu trong mỗi cửa hàng tạp hóa, trên gác mái và tầng hầm của mỗi căn nhà. Nhưng lần này thì cô thực sự trải nghiệm điều đó.

"Tôi đã làm công việc này từ những năm 1980 và đây là lần thứ hai một tác phẩm nghệ thuật đắt giá được tìm thấy ở những kho phế liệu, và suýt nữa thì chúng bị đẩy vào bãi rác.

Bà Kallir nói rằng người đàn ông tìm thấy bức tranh là một người sắp xếp các nghệ thuật bán thời gian, đồng thời là một người sưu tầm có đôi mắt tốt và ông ta thật sự may măn.

Được biết, tác phẩm của Schiele không thực sự đặc biệt và có giá trị cho đến những năm 1970. Bức tranh này thì lại được rao bán từ thập niên 60, khi ông còn chưa nổi tiếng và thậm chí ngày và chữ ký trên bức tranh cũng bị cắt bỏ.

"Bạn đang chiêm ngưỡng bức tranh mà thời điểm nó được rao bán không đáng giá bao nhiêu, và thậm chí nó còn bị đóng khung như một thứ bỏ đi, và rồi chủ sở hữu đã đem cho nó đi mà không biết rằng mình đang sở hữu một thứ quý hiếm", bà Kallir nói với phóng viên.

Phòng tranh St. Etienne ở New York của bà Jane Kallir. Ảnh: ST. ETIENNE 

Bà Kallir nói rằng rất nhiều tác phẩm của Schiele đã được đưa đến Mỹ, sau khi những người châu Âu bỏ trốn khỏi Đức quốc xã vào cuối những năm 1930 và 1940, và sau thế chiến II. Người Mỹ không hề biết đến Schiele, nhiều như người Áo.

"Ở Áo, họa sĩ Egon Schiele có phòng trưng bày đầu tiên và ông được ví như một báu vật quốc gia. Ông ấy là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời kỳ hiện đại ở Áo", bà Kallir nói.

Ông nội của Kallir đã bắt đầu phòng trưng bày Galerie St. Etienne vào năm 1939, sau khi ông đến New York tị nạn.

"Ông nội tôi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu nghệ sĩ này và khiến ông ấy được biết đến nhiều hơn, và khi ông tôi qua đời vào năm 1978, tôi chỉ đơn giản là tiếp tục truyền thống của ông mình", bà Kallir nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm