Bức tranh có tên gọi Salvator Mundi (Chúa cứu thế) là một trong 20 bức tranh tuyệt tác của danh họa người Ý và là bức tranh duy nhất của Leonardo Da Vinci còn thuộc quyền sở hữu tư nhân. Tới thời điểm này, danh tính người bỏ số tiền khủng ra mua bức tranh vẫn chưa được tiết lộ.
Bức tranh có tên gọi Salvator Mundi (Chúa cứu thế) là một trong 20 bức tranh tuyệt tác của danh họa người Ý. Ảnh: REUTERS
Trước đây, tác phẩm nghệ thuật được trả cao nhất tại trung tâm đấu giá Christie thuộc về bức họa Women of Algiers (Version O) của danh họa Picasso với 179,4 triệu USD. Riêng bức họa được trả giá cao nhất từ trước đến nay thuộc về bức Interchange của Willem de Kooning với giá 300 triệu USD. Bức tranh được tổ chức David Geffen rao bán bí mật cho tư nhân vào năm 2015 nhằm gây quỹ cho nhà quản lý Kenneth C. Griffin.
Được biết tại phiên đấu giá, bức tranh Salvator Mundi được rao với giá khởi điểm 100 triệu USD. Chỉ sau 19 phút đấu giá, bức tranh đã cán mốc kỷ lục 300 triệu USD. Tại thời điểm này, phiên đấu giá phải tạm ngưng mấy phút để chúc mừng. Chỉ một thời gian ngắn sau, Salvator Mundi được chốt với giá 400 triệu USD cộng với số tiền bảo hiểm mà người chiến thắng trả cho trung tâm đấu giá, bức tranh có tổng giá trị lên đến 450 triệu USD, một con số gây bất ngờ đối với trung tâm Christie cũng như người rao bán bức tranh.
Salvator Mundi cao 66 cm, rộng 45 cm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, miêu tả chúa Giê su mặc một chiếc áo choàng thời phục hưng với tay phải đang ban phước lành và tay trái nâng một quả cầu pha lê. Tác phẩm hội họa này từng được giới phê bình ví như “chiếc chén thánh trong những tác phẩm của họa sĩ bậc thầy”.
Theo các chuyên gia, đây chính là bức tranh cuối cùng có thể mua được của Da Vinci. Ảnh: GETTY
Theo các chuyên gia, đây cũng chính là bức tranh cuối cùng có thể mua được của Da Vinci, bởi tất cả bức còn lại đang thuộc sở hữu của các viện bảo tàng, trung tâm triển lãm và gần như sẽ không bao giờ rao bán trở lại.
Trước khi đến với trung tâm đấu giá và lập kỷ lục Christie, Salvator Mundi có một lịch sử trôi nổi cũng khá thú vị. Sau khi được danh họa Leonardo Da Vinci vẽ vào năm 1490, được cho là cùng thời điểm ra đời với bức danh họa nàng Mona Lisa, Salvator Mundi nằm trong bộ sưu tập tranh của vua Anh Charles I hồi đầu thế kỷ 17.
Sau đó tác phẩm trải qua nhiều lần đổi chủ, có giai đoạn bị lãng quên trong đời sống hội họa và gần như biến mất trong gần nửa thế kỷ. Những người chơi tranh tin rằng nó đã bị thất lạc hoặc thậm chí bị trở về tro bụi. Nhưng rồi đến năm 1900, tác phẩm bất ngờ xuất hiện trở lại.
Bức tranh đã lập kỷ lục giá mới khi được mua với giá 450 triệu USD. Ảnh: GETTY
Bức tranh sau đó tiếp tục được rao bán trở lại vào năm 1958 với giá chỉ 60 USD (1,3 triệu VND). Đến năm 2005, nó tiếp tục được rao bán nhưng bị hư hỏng khá nặng nên chỉ được mua với giá 10.000 USD. Sau đó nó được các nhà kinh doanh nghệ thuật khôi phục lại và xác thực đó đích thị là một tác phẩm của Leonardo.
Đến năm 2013, tỉ phú người Nga Dmitry Rybolovlev đã sở hữu bức tranh với giá 127,5 triệu USD. Trước khi mang nó ra đấu giá, ông Dmitry Rybolovlev chỉ kỳ vọng bức tranh có giá khoảng 130 triệu USD. Tuy nhiên, con số đạt được đã vượt mức suy đoán của nhà tỉ phú.
Được biết trước khi được mang ra đấu giá vào ngày 15-11 này, bức tranh đã được mang triển lãm ở Hong Kong, San Francisco, London và New York.
Tại buổi triển lãm ở New York, một người yêu thích tranh của Leonardo Da Vinci cho biết họ rất may mắn khi được chiêm ngưỡng bức danh họa này trước khi nó rơi vào tay của người chủ mới và khó có thể gặp lại được nó như những bức tranh khác thuộc các viện bảo tàng.