Cười quá mức, một phụ nữ không ngậm được mồm

Người ta thường nói "một tiếng cười bằng 10 thang thuốc bổ" nhưng có vẻ nó không đúng trong trường hợp dưới đây của một phụ nữ Trung Quốc. Bà này đã phải đến nhờ bác sĩ chỉnh lại hàm của mình sau khi hàm bà bị trật khớp do cười quá to, trang Oddity Central đưa tin.

Người phụ nữ không thể ngậm miệng sau khi cười quá nhiều. Ảnh: WEIBO 

Vụ việc kỳ lạ xảy ra vào ngày 1-9, trên một chuyến tàu cao tốc hướng đến ga Quảng Châu. BS Luo Wensheng, người vô tình đi trên chuyến tàu, lập tức có mặt khi nghe lời kêu gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp từ loa thông báo.

Một nữ hành khách đang mở miệng và nước dãi chảy ra. Ban đầu anh tưởng bà bị đột quỵ nhưng khi kiểm tra thì huyết áp của phụ nữ này vẫn bình thường. Sau khi nói chuyện với các nhân chứng, anh mới biết rằng người phụ nữ đã không thể ngậm miệng lại vì cười quá to.

"Bà ấy ban đầu chảy nước dãi, vì vậy tôi nghĩ rằng bà ấy đã bị đột quỵ. Nhưng khi tôi đo huyết áp và hỏi bà ấy một số câu hỏi tôi mới biết rằng bà ấy thực sự bị trật khớp hàm" - BS Luo Wensheng nói với tờ Guancha News

Thật không may, BS Wensheng không thuộc lĩnh vực y tế này, nên anh khá lúng túng khi xử lý ca bệnh này. Anh ban đầu từ chối giúp và khuyên bà nên đến bệnh viện nhưng người phụ nữ tội nghiệp van nài anh giúp và anh đã đồng ý thử.

Bác sĩ cho biết ban đầu rất khó khăn để chỉnh lại hàm cho bệnh nhân vì bà khá lo lắng dẫn đến cơ mặt của bà rất căng thẳng. Nhưng vì còn 1 giờ nữa mới đến được bệnh viện, nên người phụ nữ cũng không muốn chờ.
Mặt khác, khi nghe đến việc phải chịu đựng tình trạng này thêm nữa, người phụ nữ chuyển từ lo lắng sang kích động dữ dội và muốn xương hàm phải trở lại bình thường ngay lập tức. Điều này khiến vị bác sĩ phải thử giúp bà lần nữa.
Lần này, BS Luo đã cố gắng nói chuyện để bệnh nhân phân tâm, rồi bất thình lình chỉnh lại hàm của bà ấy và anh đã thành công. Người phụ nữ cuối cùng đã ngậm miệng lại được và rối rít cám ơn bác sĩ.

BS Lou đang cố gắng chỉnh lại hàm cho người phụ nữ. Ảnh: WEIBO

Bà cũng cho biết trước đây khi đang mang thai, bà từng bị trật khớp xương hàm một lần vì nôn mửa. Với những người từng bị trật khớp xương hàm thì nguy cơ bị lại sẽ cao hơn người bình thường. Họ có thể bị trật khớp quai hàm khi thực hiện các hành động có cử động hàm mạnh như ngáp, cười hoặc mở miệng quá lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm