Trong một số cộng đồng ở đây, việc mai táng chóng vánh là rất linh thiêng. Tuy nhiên, vì một hủ tục kỳ lạ mà người chết đôi khi bị buộc phải trải qua nhiều tháng đông lạnh trong nhà xác, mà không được chôn cất tức thì.
Một nghi thức tang lễ ở Ghana. Ảnh: Flickr
Hủ tục mai táng kéo dài dai dẳng ở Ghana ảnh hưởng từ văn hóa gia đình ở một số quốc gia ở châu Phi. Theo đó, họ cho rằng con người khi trưởng thành, kết hôn, có con cái thì những người thân này chỉ được xem là người thân tạm thời. Một khi họ chết, cơ thể họ phải được trả lại cho cha mẹ, hoặc những người họ hàng nơi họ sinh ra.
Vậy nên khi một người qua đời, cái chết của họ phải được thông tin đến hết họ hàng gốc gác và chỉ những người thân được xem là ruột thịt mới được quyền quyết định lễ tang sẽ diễn ra như thế nào. Thậm chí có những người thân cũ hàng chục năm không hề liên lạc nhưng những người này mới được quyền quyết định tang lễ diễn ra khi nào, ở đâu và ra sao chứ không phải là vợ, chồng hoặc con cái họ.
Bà Elizabeth Ohene, một nhà báo kiêm chính trị gia ở Ghana từng lên tiếng về hủ tục này. Bà cho rằng việc giữ xác người chết hàng tháng trời, thậm chí là nhiều năm ở nhà xác là một điều vô cùng điên rồ và cần được thay đổi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của bà đến nay vẫn chưa thành công.
Mọi người đang chờ để cử hành tang lễ. Ảnh: Flickr
Chỉ mới tuần trước, truyền thông địa phương cũng đã đưa tin về một người đàn ông đã phải nằm chờ trong nhà xác đã sáu năm nhưng vẫn chưa được chôn cất vì họ hàng gốc gác vẫn chưa quyết định được ai sẽ là người đứng ra tổ chức tang lễ. Vụ việc này không gây quá nhiều sự chú ý, bởi ở Ghana, đây là điều không phải hiếm gặp.
Thường lý do để trì hoãn đám tang ở Ghana là vô hạn. Lúc thì không quyết định được ai là người tổ chức, lúc thì không gút được sẽ đặt người chết vào chiếc quan tài ra sao, khi thì chưa liên hệ được với tất cả người thân cũ... Vậy nên, người chết cứ phải đợi đến khi mọi thứ thật sự "hoàn hảo" thì họ mới được yên tâm mồ yên mả đẹp.
Người chết thậm chí được chôn cất trong những chiếc quan tài khá cầu kỳ. Ảnh: Flickr
Bà Ohene tin rằng giải pháp để chấm dứt chuyện này là để những người thân hiện tại, như vợ, chồng con cái giải quyết chuyện hậu sự cho người chết thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Ngoài việc quy tụ được những người thân thích lâu năm và thống nhất về việc cử hành tang lễ, một đám tang ở Ghana cũng bị buộc phải tuân theo những quy tắc mai táng rất kỳ lạ. Một khi có người qua đời, căn nhà người đó buộc phải đập đi và xây lại hoàn toàn mới để xứng đáng với người đã mất. Chưa kể, đám tang buộc phải quy tụ đầy đủ họ hàng nên để không có người nào vắng mặt, họ phải chọn ra một ngày mà tất cả mọi người không bận việc, bất kể nó có làm trễ đám tang hơn vài tháng trời.
"Cuối tuần rồi, tôi đã tham dự một đám tang của một chính trị gia nổi tiếng, ông Nana Akenten Appiah-Menka. Hồ sơ tang lễ của ông ấy được soạn thảo 226 trang giấy bao gồm thông tin và hình ảnh về suốt quãng đời 84 năm. Và để làm được điều này, bộ phận tổ chức tang lễ cũng đã khiến ông ta phải đợi trong nhà xác không ít thời gian” - bà Elizabeth Ohene viết trong một bài báo vừa được đăng trên BBC.
Bản thân bà Elizabeth Ohene cho biết bà cũng đã phải rất đau đầu khi tiến hành tang lễ cho người mẹ ruột 90 tuổi của mình. Bà đã cố gắng hoàn thành tang lễ sau ba tuần buộc phải để mẹ mình trong nhà xác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc tổ chức một đám tang chóng vánh như vậy được xem là thiếu sự tôn trọng đối với người chết.
Sau quá trình nghiên cứu về hủ tục chôn cất kỳ lạ ở nước mình, bà Ohene cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc này kéo dài chính là việc làm lạnh ở nhà xác.
"Trước khi hủ tục chôn cất cầu kỳ trở nên phổ biến như ngày nay ở Ghana, chúng tôi vẫn chôn cất người chết trong vòng hai đến ba ngày sau khi họ qua đời. Tuy nhiên, từ khi có phương pháp đông lạnh xác kéo dài đến sáu tháng, hủ tục này mới nở rộ như một phong trào. Nếu không có phương pháp đông lạnh này, chắc sẽ không có những việc như vầy diễn ra" - bà Ohene cho hay.