Mỹ ra tuyên bố mang tính quyết định vụ ông Navalny bị hạ độc

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-12 ra tuyên bố quy trách nhiệm vụ đầu độc nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), theo đài CNN.

Đây là tuyên bố mang tính quyết định nhất từ chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan vụ ông Navalny.

Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố trên vài ngày sau khi CNN công bố bằng chứng trực tiếp đầu tiên về sự tham gia của FSB vào vụ đầu độc ông Navalny.

Mỹ tin đặc vụ FSB đầu độc ông Navalny bằng chất độc Novichok

 “Mỹ tin rằng các nhân viên thuộc FSB đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để hạ độc ông Navalny. Không có lời giải thích hợp lý nào hơn cho vụ đầu độc ông Navalny ngoài sự tham gia và trách nhiệm của chính phủ Nga” – trang tin The Hill dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-12.

Ông Navalny và vợ tên Yulia tại bệnh viện Charité (Đức) hồi tháng 9. Ảnh: @navalny/Instagram/AFP/Getty Images

“Chắc chắn Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính phủ Nga sẽ khiến chúng tôi tin theo cách khác” – tuyên bố cho biết tiếp.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Nga không thể trả lời những khúc mắc xoay quanh vụ ám hại ông Navalny nói lên nhiều điều.

“Nga đã đưa ra nhiều thuyết âm mưu và thường là theo hướng ngược lại. Những loại thuyết âm mưu này không có gì hơn ngoài mục đích đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những câu hỏi nghiêm trọng, những câu hỏi chưa có câu trả lời” – theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này hoàn toàn tin tưởng vào những phát hiện của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) hồi tháng 10 rằng chất độc lấy từ máu và nước tiểu của ông Navalny có liên quan tới nhóm chất độc thần kinh Novichok.

“Mỹ hoàn toàn tin tưởng các phát hiện của OPCW, trong đó xác nhận những kết quả trước đó của các phòng thí nghiệm Đức, Pháp và Thụy Điển. Kết quả cho thấy ông Navalny bị nhiễm chất độc thần kinh Novichok” – theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không giải thích tại sao Mỹ vẫn chưa bắt Nga phải chịu bất kỳ cái giá nào cho vụ đầu độc hay ra tuyên bố sớm hơn.

Vài ngày trước, một cuộc điều tra của CNN phối hợp với trang web báo chí điều tra Bellingcat tiết lộ nhóm chuyên gia chất độc của FSB gồm 6-10 người đã theo dõi ông Navalny trong hơn ba năm trước khi ông bị đầu độc hồi tháng 8 bằng chất độc thần kinh chết người.

Theo CNN, một đặc vụ FSB được cử theo dõi nhân vật đối lập Nga đã tiết lộ ông Navalny trúng chất độc Novichok được bôi ở mặt trong quần lót. Chi tiết này xuất hiện khi ông Navalny đóng giả thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga để lừa người này khai ra toàn bộ vụ đầu độc.

Mỹ chuẩn bị áp trừng phạt với Nga?

Hồi tháng 9, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ra tuyên bố cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và cộng đồng quốc tế để bắt những người tại Nga chịu trách nhiệm, đồng thời hạn chế tài chính cho các hành động xấu của những nhân vật này.

Hơn hai tháng trước, cả Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã áp trừng phạt vào các quan chức Nga liên quan vụ ám hại ông Navalny.

Ông Navalny và vợ tham gia một cuộc mít tinh ở Moscow (Nga) năm 2019. Ảnh: AFP

Các biện pháp trừng phạt có thể có của Mỹ nhằm vào Nga đã được chuẩn bị, CNN dẫn hai nguồn thạo tin cho biết. Tuy nhiên, việc chính thức áp trừng phạt yêu cầu phải có sự chấp thuận toàn bộ của chính phủ Mỹ, kể cả chữ ký của Tổng thống Trump.

Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng có “khả năng đáng kể” người Nga đứng sau vụ đầu độc ông Navalny. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23-12 trực tiếp hơn, nêu đích danh FSB đứng sau vụ đầu độc.

Theo The Hill, tuyên bố hôm 23-12 của Bộ Ngoại giao Mỹ có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đối mặt một cuộc tấn công mạng chưa từng có nhằm vào nhiều cơ quan chính phủ. Một số quan chức cấp cao của Mỹ đổ lỗi Moscow thực hiện cuộc tấn công mạng này.

Nga áp biện pháp trả đũa lên EU

Bộ Ngoại giao Nga hôm 22-12 cho biết Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của EU liên quan vụ ám hại ông Navalny, đồng thời sẽ mở rộng danh sách cấm nhập cảnh đối với các đại diện EU, theo hãng tin Sputnik.

“Trong số đó có những người chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy các sáng kiến trừng phạt nhằm vào Nga theo khuôn khổ của EU” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Ông Alexei Navalny được đưa khỏi xe cứu thương khi đến bệnh viện Charité (Đức) chữa trị. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt do EU áp đặt là không thể chấp nhận được. Bộ này còn nhấn mạnh những ai đứng sau việc xúi giục động thái này đã không thể đưa ra bằng chứng để củng cố cho những tuyên bố của mình, bất chấp phía Nga đã nhiều lần đề nghị.

“Hành động một cách vội vàng và bí mật, Hội đồng EU đã ra một quyết định chính trị mang tính đối đầu đi ngược lại những đặc quyền pháp lý của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ Helsinki, sự hợp tác giữa các quốc gia và sự thực hiện các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế. Những cái tên cụ thể đã được chọn ngẫu nhiên để phù hợp với quyết định này của Hội đồng EU” – tuyên bố nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Nga chính thức thông báo với người đứng đầu các phái bộ ngoại giao của Đức, Pháp và Thụy Điển tại Nga cũng như phái đoàn EU ở Moscow về hành động đáp trả của Nga.

Hãng tin DPA dẫn tuyên bố Bộ Ngoại giao Đức cho biết Nga đã cấm một số quan chức chính phủ Đức nhập cảnh nhằm đáp trả lệnh trừng phạt liên quan vụ đầu độc ông Navalny.

Bộ Ngoại giao Nga trước đó triệu tập một số nhà ngoại giao EU liên quan vụ ông Navalny và lệnh trừng phạt chống Nga do EU ban hành.

Đại sứ Pháp tại Nga Pierre Lévy cùng với đại điện của Đại sứ quán Thụy Điển tại Nga và phó đại sứ Đức đã đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nga.

Hồi tháng 10, EU áp trừng phạt lên sáu quan chức Nga, trong đó có giám đốc FSB Alexander Bortnikov, một tổ chức khoa học xoay quanh vụ ám hại ông Navalny. Hồi tháng 11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức chính phủ Pháp và Đức không được nêu tên nhằm đáp trả các hạn chế của EU.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gần đây nói rằng theo quan điểm của Đức, Nga đã làm không đủ để điều tra vụ đầu độc ông Navalny và do đó, quyết định áp trừng phạt của EU là đúng đắn.

Hôm 21-12, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng họ vẫn chưa nhận được phản hồi từ OPCW về đề nghị phối hợp điều tra vụ việc. Nga nhiều lần cho biết nước này đã đề nghị Đức hợp tác nhưng không nhận được phản hồi.

Ông Navalny (44 tuổi) hiện đang hồi phục tại Đức sau khi được điều trị tại bệnh viện Charité (Berlin, Đức). Ông Navalny phát bệnh trên chuyến bay từ vùng Siberia và thủ đô Moscow hôm 20-8. Máy bay hạ cánh khẩn tại TP Omsk (vùng Siberia) và ông được cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Đến 22-8, ông được đưa tới bệnh viện ở Đức để tiếp tục điều trị.

Nga đã phủ nhận mọi liên quan trong vụ ám hại ông Navalny. Tại cuộc họp báo cuối năm thường niên hôm 17-12, Tổng thống Putin bác cáo buộc việc FSB có dính líu tới vụ ám hại nhân vật đối lập Nga. Ông Putin nói rằng nếu đặc vụ FSB tham gia thì họ lẽ ra đã kết liễu ông Navalny rồi.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm