Tờ Nikkei Asia Review (Nhật) ngày 17-7 cho biết giới chức quân sự Mỹ đang có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông.
Đây được xem là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây sức ép lên Trung Quốc sau khi tuyên bố các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp".
Hai đơn vị đặc biệt sẽ được triển khai đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào đầu năm 2021, để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau từ tác chiến điện tử và tác chiến mạng đến bắn tên lửa đến mục tiêu chính xác. Ít nhất một trong hai đơn vị này sẽ đóng tại Biển Đông.
Một thành viên phi hành đoàn trên khu trục hạm USS Ralph Johnson vào ngày 14-7 gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Làm gián đoạn liên lạc quân sự Trung Quốc thông qua "đánh lừa" sẽ là một chiến thuật hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp ở Biển Đông, tướng về hưu Jack Keane - cựu Phó Tổng tham mưu Lục quân Mỹ - cho biết.
Ông cũng cho biết Mỹ tin rằng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2 / AD) mang lại cho Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh. Do đó, Mỹ phải chắc chắn "có một sự răn đe hiệu quả tại biển Đông và các tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Mỹ.
Tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), Bắc Kinh đã triển khai trên các tên lửa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Biển Đông. Để chống lại điều này, Mỹ muốn tăng cường khả năng ngăn chặn Trung Quốc theo dõi các lực lượng của Mỹ.
Mỹ và các đối tác "phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại các hệ thống vũ khí này" - cựu sĩ quan Mỹ nói. "Một trong những cách là thông qua các công nghệ có thể đánh lừa các thiết bị định vị và thiết bị định vị tên lửa rằng các tên lửa sẽ tiến về phía tàu của Trung Quốc".
Nếu việc tiếp cận Biển Đông trở nên bất khả thi, quân đội Mỹ có kế hoạch đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa từ xa.