Nga chính thức dùng tới con bài khí đốt và đồng rúp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, châu Âu và Nga dùng dằng quanh chuyện châu Âu thanh toán tiền khí đốt mua của Nga bằng đồng tiền gì.

Theo đài RT, từ tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các nước trong danh sách “các quốc gia không thân thiện” vốn tham gia trừng phạt kinh tế Nga phải trả tiền khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Ngày 28-3, ông Putin lệnh cho ngân hàng trung ương Nga và tập đoàn năng lượng Gazprom lên các phương án chuyển đổi thanh toán.

Các nhà nhập khẩu đang bối rối trước yêu cầu của Nga phải thanh toán
tiền khí đốt bằng đồng rúp thay vì đồng euro hay đồng USD như trước đây. Ảnh: GETTY IMAGES

“Bàn thắng riêng” của ông Putin

Đến ngày 31-3, ông Putin ký thông qua sắc lệnh chính thức yêu cầu các nước “không thân thiện” mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp, theo hãng tin Reuters. Theo ông Putin, các nước “phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga” và các khoản thanh toán khí đốt được thực hiện bắt đầu từ ngày 1-4.

Theo cơ chế do ông Putin chỉ định, bên mua sẽ sử dụng tài khoản đặc biệt tại Ngân hàng Gazprombank để thanh toán. Gazprombank sẽ thay mặt bên mua khí đốt thực hiện giao dịch mua đồng rúp vào và chuyển đồng rúp sang một tài khoản khác để thanh toán.

“Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là một sự mặc định đối với bên mua, với tất cả các hậu quả sau đó. Không ai bán cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện - nghĩa là các hợp đồng hiện có sẽ dừng lại” - ông Putin tuyên bố trên truyền hình ngày 31-3.

Theo ông Putin, việc chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng rúp sẽ củng cố chủ quyền của Nga, khi phương Tây sử dụng hệ thống tài chính như một vũ khí. Thêm nữa, việc Nga giao dịch bằng đồng USD và đồng euro không có ý nghĩa gì khi tài sản bằng các loại tiền tệ đó đang bị đóng băng.

Khoảng 60% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga được châu Âu thanh toán bằng đồng euro và phần còn lại được thanh toán bằng đồng USD. Giá khí đốt của Anh và Hà Lan đã tăng 4%-5% sau tuyên bố của ông Putin. 

Châu Âu nhất quyết không chịu

Trong khoảng một tuần từ khi Nga thông báo ý định đến khi ông Putin ký sắc lệnh, phía châu Âu đã có hàng loạt động thái đối thoại, điều đình nhưng đều chưa thành.

Ngày 30-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz điện đàm với ông Putin nhưng phủ nhận lại lời giải thích từ ông Putin rằng Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp vì “dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị các nước Liên minh châu Âu (EU) đóng băng”. Ông Scholz chỉ có thể yêu cầu phía Nga có văn bản giải thích cách thức hoạt động chuyển đổi tiền tệ để hiểu rõ hơn về thủ tục.

Trước cuộc điện đàm của ông Scholz thì Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nói chuyện với ông Putin về chuyện này nhưng đều không thuyết phục được.

Lúc này, quan điểm chung của các nước châu Âu là không đồng ý với cách làm của Nga. EU và G7 bác ý tưởng này của Nga. Ông Macron nói rõ với ông Putin rằng phương Tây sẽ không đồng ý yêu cầu thanh toán hóa đơn khí đốt bằng đồng rúp.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết các hợp đồng khí đốt hiện tại được tính bằng đồng euro và các khoản thanh toán sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng tiền đó. Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck thì nói nếu Nga cắt cung cấp khí đốt vì lý do này thì đó “sẽ là sự vi phạm từ một phía và rõ ràng đối với các hợp đồng hiện có”.

Theo bà Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế - hiệp hội thương mại cho ngành dịch vụ tài chính toàn cầu, chưa cần biết các nước châu Âu chịu nhường hay không đây cũng đã là một “bàn thắng riêng” nữa của ông Putin, vì nó làm thu hút sự chú ý và bất an ở Tây Âu với về nguồn cung khí đốt.

Chưa biết bên nào nhường bên nào

Hãng tin AP dẫn ý kiến GS Eswar Prasad về chính sách thương mại tại ĐH Cornell (Mỹ) rằng việc được trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp sẽ hỗ trợ Nga tránh được các lệnh trừng phạt tài chính, nâng cao giá trị của đồng rúp, góp phần bảo vệ nền kinh tế Nga.

Theo AP, nếu đồng ý theo phương án của Nga thì các nước nhập khẩu sẽ phải tìm một ngân hàng có thể đổi đồng euro và đồng USD sang đồng rúp. Điều này có thể phức tạp vì một số ngân hàng Nga đã bị chặn hoặc bị cắt khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT hỗ trợ thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ngân hàng chưa bị cắt. Mỹ đã cân nhắc ngoại lệ đối với các khoản thanh toán năng lượng và đây là sự nhượng bộ đối với các đồng minh châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, lo ngại việc cắt giảm hoàn toàn có thể khiến nền kinh tế các nước này rơi vào suy thoái.

Ý của Nga và của ông Putin là các nhà nhập khẩu khí đốt nước ngoài mua đồng rúp và sử dụng đồng tiền này thanh toán cho nhà cung cấp thuộc sở hữu nhà nước Gazprom. Theo đài RT, ngân hàng trung ương của Nga có thể bán đồng rúp cho bên mua khí đốt hoặc các nước có thể mua trên thị trường mở.

Nhiều nhà quan sát cho rằng có khả năng châu Âu sẽ phải nhượng bộ để đảm bảo lợi ích của mình. Khí đốt Nga được sử dụng ở châu Âu cho nhiều mục đích khác nhau, từ gia đình cho tới sản xuất công nghiệp. Mua ít khí đốt hơn từ Nga đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa trên thị trường mở. Điều này dẫn đến việc các ngành công nghiệp và các hộ gia đình phải chịu chi phí cao hơn, các mặt hàng tiêu dùng tăng giá và kéo theo suy thoái.

Tuy nhiên, ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng và giám đốc điều hành tại công ty tư vấn kinh tế High Frequency Economic (Mỹ), cho rằng chuyện Nga cắt khí đốt nếu châu Âu không thanh toán bằng đồng rúp là không thể xảy ra. Lý do vì chuyện ngừng hệ thống khai thác không đơn giản và dung lượng lưu trữ sẽ đầy rất nhanh nên Nga không thể ngừng vận chuyển sản phẩm.

Trước mắt, theo nguồn tin của Reuters thì thời hạn thanh toán các hợp đồng khí đốt gần nhất mà châu Âu phải thực hiện với Nga sẽ bắt đầu vào nửa cuối tháng 4 và tháng 5, như vậy việc cắt cung cấp khí đốt nếu có cũng không xảy ra ngay lập tức.•

Nga có thể yêu cầu trả bằng đồng rúp cho tất cả mặt hàng xuất khẩu

RT dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov rằng sắp tới, tất cả mặt hàng xuất khẩu của Nga có thể được tính bằng đồng rúp. Nga là nhà cung cấp chính dầu, khí đốt, thực phẩm, kim loại, gỗ và các mặt hàng khác cho thị trường toàn cầu. Chính ông Putin cũng ám chỉ rằng khí đốt chỉ là mặt hàng đầu tiên của Nga sẽ được bán bằng đồng rúp.

Theo ông Peskov, vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu đã bị ảnh hưởng và động thái định giá các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga bằng đồng rúp sẽ “vì lợi ích của chúng tôi và lợi ích của các đối tác”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm