Nga-Mỹ ký Hiệp ước START mới

Sau gần một năm thương lượng căng thẳng, hôm nay (8-4), tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký kết Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (còn gọi là Hiệp ước START II) thay cho Hiệp ước START I năm 1991 đã hết hạn vào cuối năm ngoái.

Trước đó, ngày 6-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ giữ quyền đơn phương từ bỏ Hiệp ước START II nếu hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Âu ảnh hưởng đến sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga. Ông cho rằng tốt hơn Mỹ nên bỏ hẳn kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Phản ứng trước tuyên bố của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định kế hoạch phòng thủ tên lửa không liên quan gì đến Hiệp ước START II và Mỹ sẽ tiếp tục đeo đuổi.

Nga-Mỹ ký Hiệp ước START mới ảnh 1

Biếm họa của Dave Granlund, Mỹ (chữ trong ảnh: USA=Mỹ, Russia=Nga, START II Treaty=Hiệp ước START II)

Cũng trong ngày 6-4, báo cáo dày 80 trang về học thuyết hạt nhân mới của Mỹ có tiêu đề Xem lại tình hình hạt nhân đã được công bố tại Lầu Năm góc. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mike Mullen, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu cùng tham dự sự kiện này.

Tóm tắt học thuyết hạt nhân mới của Mỹ như sau:

- Mỹ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ quyền lợi sống còn của quốc gia và các nước đồng minh trong tình huống thực sự nghiêm trọng và cần thiết.

Tổng thống Mỹ Obama đã trấn an Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak qua điện thoại rằng lời hứa bảo vệ an ninh của Mỹ với các nước đồng minh sẽ không bị học thuyết hạt nhân mới ảnh hưởng.

- Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân và có ký kết Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, kể cả khi các nước này tấn công Mỹ bằng vũ khí sinh học và hóa học, trừ Iran và CHDCND Triều Tiên.

- Mỹ tiếp tục giảm thiểu vai trò của vũ khí hạt nhân bằng cách tăng cường ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ và các nước đồng minh.

- Mỹ sẽ không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân hoặc tổ chức thêm các vụ thử hạt nhân đồng thời sẽ tiếp tục hiện đại hóa kỹ thuật chế tạo vũ khí.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ hợp tác với các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân để tiến tới loại bỏ vai trò của vũ khí hạt nhân trong các chính sách chính trị.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Tổng thống Obama đang dối gạt thế giới và Mỹ vẫn đang theo đuổi các chính sách dưới thời Tổng thống Bush.

ĐĂNG KHOA (Theo AFP, AP, USA Today)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm