Nghị viện châu Âu ra nghị quyết đối phó Nga, bảo vệ Ukraine

Đài Sputnik đưa tin Nghị viện châu Âu (EP) ngày 29-4 đã thông qua nghị quyết kêu gọi có các biện pháp cứng rắn đối phó Nga trong trường hợp Moscow “xâm lược” Ukraine.

Dự thảo nghị quyết, do các nghị sĩ EP từ Ba Lan, các nước Baltic và Romania đề xuất, hôm 29-4 đã được thông qua với 569 trong số 705 thành viên của EP bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 67 thành viên phản đối và 46 thành viên bỏ phiếu trắng.

Trước đó, bản thảo nghị quyết, dài năm trang, đã được công bố trên trang web của EP hôm 28-4.

Bên cạnh tuyên bố rằng Nga có thể đang chuẩn bị "xâm lược Ukraine", nghị quyết tiếp tục quy trách nhiệm cho Moscow liên quan một loạt cáo buộc khác.

EP thông qua nghị quyết kêu gọi loạt biện pháp đối phó Nga. Ảnh: SPUTNIK

Theo nghị quyết, Moscow bị cáo buộc liên quan một loạt hành vi từ đầu những năm 2000, từ "vi phạm nhân quyền" và việc giam giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny đến tham nhũng. Ngoài ra, Điện Kremlin còn bị cáo buộc liên quan "cuộc chiến nội bộ với chính người dân của mình" thông qua "sự cưỡng bức có hệ thống đối với phe đối lập". 

Nghị quyết cũng đề cập vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc, cáo buộc hành vi can thiệp bầu cử, việc “báo chí Nga đưa tin sai lệch và lan truyền ác ý đối với Liên minh châu Âu (EU)”, một loạt "hành vi gây bất ổn ở châu Âu”, cũng như hành vi “gây hấn" của Nga khi điều động quân đội dọc biên giới với Ukraine. Moscow cũng bị cáo buộc có liên quan vụ nổ kho vũ khí tại Czech hồi năm 2014.

Nghị quyết kêu gọi loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngừng mua năng lượng của Nga và có các biện pháp cứng rắn khác nhằm vào nước này. 

Nghị quyết còn tuyên bố "tất cả tài sản ở EU của các nhà tài phiệt thân cận với chính quyền Nga và gia đình của họ ở EU" sẽ bị “đóng băng”, cũng như thị thực của họ sẽ bị hủy bỏ nếu Moscow “xâm lược” Ukraine.

Nghị quyết cũng kêu gọi Nga "thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận Minsk" nhằm tạo điều kiện cho việc chấm dứt nội chiến Ukraine. 

Moscow từ lâu đã chỉ trích giới chức trách Ukraine vì đã không thực hiện tốt các cam kết của họ theo thỏa thuận, trong đó các nhà lập pháp Kiev đã không thông qua luật cần thiết tại quốc hội Rada trong hơn sáu năm sau khi Thỏa thuận Minsk được ký kết.

Trao đổi với Sputnik hôm 28-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc lại các tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về Thỏa thuận Minsk. Ông Zelensky có rằng “những văn bản này chẳng còn giá trị với Ukraine, nhưng chính quyền Kiev vẫn cần phải giữ, vì giữ Thỏa thuận Minsk là để bảo đảm mọi lệnh cấm vận chống Nga sẽ được duy trì”.

Theo ông Lavrov, Ukraine không nên trông chờ và dựa dẫm nhiều vào viện trợ quân sự của Mỹ, đồng thời cho rằng ông Zelensky và giới chức Ukraine đang tìm cách “đảo ngược” các điều khoản trong thỏa thuận Minsk về tạo lập hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm