EU cáo buộc Nga, Trung Quốc tung tin giả để chia rẽ phương Tây

Một nghiên cứu được Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 28-4 cáo buộc Nga và Trung Quốc đang nỗ lực một cách có hệ thống gieo rắc thông tin sai lệch liên quan tới đại dịch COVID-19 nhằm chia rẽ các nước phương Tây, hãng tin Reuters cho hay.

Theo báo cáo của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), từ tháng 12-2020 tới tới 4, các cơ quan truyền thông nhà nước của Nga và Trung Quốc đã tung nhiều tin giả bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên các ấn phẩm điện tử. Các thông tin này liên quan tới mức độ an toàn của các loại vaccine ngừa COVID-19, tình trạng tử vong sau khi tiêm vaccine của phương Tây, cũng như quảng bá rằng vaccine của Nga và Trung Quốc vượt trội so với các sản phẩm của Anh, Đức, Mỹ…

EEAS cho rằng chính sách "ngoại giao vaccine" của Moscow và Bắc Kinh "tuân theo logic 'trò chơi có tổng bằng không' và được kết hợp với những nỗ lực thao túng thông tin và tin giả nhằm làm suy yếu lòng tin đối với vaccine do phương Tây sản xuất". 

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh). Ảnh: REUTERS

"Cả Nga và Trung Quốc đều đang sử dụng các phương tiên truyền thông do nhà nước kiểm soát, mạng lưới các phương tiên truyền thông ủy quyền và mạng xã hội, bao gồm các tài khoản ngoại giao chính thức, để đạt được những mục tiêu trên" - các chuyên gia châu Âu viết trong báo cáo.

EEAS cho rằng thực tế số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu tiếp tục tăng đã "bị biến thành thông tin sai lệch để công kích cách phản ứng của EU trước đại dịch" và trở thành dẫn chứng cho "sự thất bại" của các xã hội phương Tây.

Các kênh mạng xã hội chính thức của chính quyền Bắc Kinh và các cơ quan truyền thông thân Nga bị cáo buộc "thổi phồng thông tin" về các tác dụng phụ từ vaccine của phương Tây và xuyên tạc các báo cáo quốc tế về các trường hợp tử vong do tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Na Uy, Tây Ban Nha và nhiều nước khác. EU lưu ý rằng tác dụng phụ do vaccine của Johnson&Johnson (Mỹ) hay của AstraZeneca (Anh) là rất hiếm gặp.

Các bài viết của giới truyền thông Nga với nội dung việc rời EU đã giúp Anh tránh được "cơn hỗn loạn vaccine đang nhần chìm EU" được dẫn lại như một minh chứng cho nỗ lực chia rẽ phương Tây.

Trong khi đó, Reuters tiết lộ rằng vào năm ngoái, Trung Quốc đã nỗ lực ngăn EU thông qua một báo cáo cáo buộc Bắc Kinh lan truyền thông tin sai sự thật về sự bùng phát dịch COVID-19.

EU và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường xuyên cáo buộc Nga thực hiện các hành động bí mật, kể cả việc tung tin giả, nhằm cố gắng gây bất ổn bằng cách chia rẽ nội bộ phương Tây.

Moscow và Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc tung tin giả như những gì EU cáo buộc. Tài khoản Twitter chính thức liên quan tới vaccine Sputnik V của Nga còn cáo buộc ngược lại rằng EU đang tiến hành chiến dịch tin giả chống lại Nga. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm