Nhật Bản đã sẵn sàng công bố niên hiệu mới

Một tháng trước khi Nhật Hoàng Akihito nhường ngôi cho con trai của ông, Thái tử Naruhito, niên hiệu của Triều đại mới sẽ được công bố. Lễ đăng cơ sẽ diễn ra vào ngày 1-5 sắp tới.

Nhiều cơ quan, công ty và nhiều công dân Nhật Bản sử dụng niên hiệu của Thiên hoàng để đánh dấu thời gian, thường sử dụng song song với Dương lịch. Niên hiệu xuất hiện trên tất cả mọi thứ, từ các văn bản chính thức đến tiền xu, lịch và báo, cũng như được sử dụng phổ biến hàng ngày. Ví dụ như năm 2019 được gọi là năm Bình Thành (Heisei) thứ 31, hay năm thứ 31 của triều đại Akihito.

Nhật hoàng Akihito (phải) và Thái tử Naruhito vẫy tay chào đám đông tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: GETTY

Việc thông báo sớm sẽ giúp các công ty và cơ quan công cộng có thời gian làm quen với niên hiệu mới vào hệ thống văn bản và máy tính. Chính quyền địa phương cho biết họ đã chuẩn bị cho sự thay đổi trong nhiều tháng và tự tin rằng họ sẽ có thể cập nhật hồ sơ kịp thời.

Những niên hiệu đặt cho triều đại Nhật Bản có nhiều ý nghĩa, giúp xác định tư tưởng quốc gia và theo thời gian niên hiệu ấy sẽ gắn liền với lịch sử.

Triều đại Minh Trị (Meiji), có nghĩa là khai sáng, từ năm 1868 đến năm 1912 được nhớ đến như một thời kỳ hiện đại hóa lấy cảm hứng từ phương Tây.

Triều đại Chiêu Hòa (Showa), có nghĩa là hòa hợp giác ngộ, bắt đầu từ năm 1926, gắn liền với sự phát triển kinh tế và vai trò của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Ba thập kỷ của Triều đại Bình Thành (Heisei), có nghĩa là đạt được hòa bình gợi lên những cảm nghĩ tương tự: đó là sự kết thúc của nền kinh tế bong bóng, thời kỳ cạnh tranh với Trung Quốc và một số thảm kịch quốc gia, bao gồm cuộc tấn công khủng bố năm 1995 vào tàu điện ngầm Tokyo và trận động đất thảm họa, sóng thần và tai nạn hạt nhân tháng 3-2011.

Theo thông lệ, một nhóm các chuyên gia và chính trị gia thân thiết và không được tiết lộ danh tính cho tới khi tìm được tên cho triều đại mới. Điều này nhằm tránh các ảnh hưởng mang tính chính trị.

Trong vài tháng qua, nhóm chuyên gia gồm chín thành viên bí mật, bao gồm các học giả về văn học cổ điển Nhật Bản và Trung Quốc, đã tranh luận về giá trị của các tên có thể đặt cho triều đại mới. Một trong chín thành viên của ủy ban đã được đài NHK công khai danh tính là giáo sư Yamanaka Shinya thuộc Đại học Kyoto, người từng được trao giải Nobel Y học năm 2012.

Theo truyền thống, tên niên hiệu mới cần đáp ứng 6 điều kiện bắt buộc bao gồm mang ý nghĩa dễ hiểu, dễ viết, dễ đọc, chưa bao giờ được dùng trong lịch sử, không dung tục và có hai chữ Hán tự, theo đài CNN.

Trong quá khứ, các hoàng đế có thể sẽ thay đổi tên thời đại giữa triều đại để thúc đẩy tinh thần đổi mới sau thảm họa thiên nhiên hoặc khủng hoảng. Nhưng gần đây, một vị Nhật Hoàng chỉ sử dụng một niên hiệu duy nhất, điều này làm tăng thêm trọng trách của các thành viên trong ủy ban chọn tên cho triều đại mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm