Hôm 11-4, cảnh sát Anh Quốc tuyên bố họ đã bắt giữ người sáng lập Wikileaks - Julian Assange sau khi ông này rời khỏi Đại sứ quán của Ecuador tại Thủ đô London (Anh).
Trang Wikileaks sau đó đã đưa ra cáo buộc Ecuador đã huỷ bỏ trái phép quyền tị nạn chính trị của ông Assange, dẫn tới việc ông bị chính quyền London bắt giữ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ecuador Jose Valencia bác bỏ cáo buộc trên là “vô căn cứ” và cho biết ông Assange bị rút quy chế tị nạn sau khi đã nhiều lần vi phạm các công ước quốc tế.
Người sáng lập Wikileaks - Julian Assange. Ảnh: SKY NEWS
Năm 2012, ông Assange đã bỏ trốn vào đại sứ quán của Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển vì các cáo buộc tấn công tình dục. Ông đã phủ nhận các cáo buộc này và trú ẩn trong tòa đại sứ kể từ đó.
Thụy Điển sau đó đã hoãn cuộc điều tra, tuy nhiên ông Assange lại tiếp tục đối mặt với lệnh bắt giữ từ chính quyền Anh vì bị cho là “trốn chạy công lý”.
Assange lo sợ rằng chính quyền Anh sẽ dẫn độ ông sang Mỹ để xét xử các tội danh tiết lộ nhiều bí mật quốc gia của Mỹ hồi năm 2010.
Cũng trong năm 2012, tổng thống Ecuador khi đó là ông Rafael Correa đã quyết định cấp quy chế tị nạn cho Assange khiến quan hệ ngoại giao giữa Anh và Ecuador thêm căng thẳng.
Ông Assange cũng bị tố can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 sau khi công bố nội dung email của nhóm chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, đảng Dân chủ.
Gần đây nhất, ông Assange đã đăng tải các thông điệp ủng hộ vùng Catalonia trên trang Twitter của mình. Động thái này đã khiến chính phủ Tây Ban Nha lên tiếng chỉ trích. Tổng thống Moreno đã nhắc nhở ông Assange không nên can thiệp vào chính trị Ecuador cũng như chính trị của bất kỳ quốc gia nào khác.
WikiLeaks năm 2010 gây chấn động toàn cầu khi công bố hàng nghìn tài liệu mật từ Lầu Năm Góc đề cập tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Nổi tiếng nhất trong đó có đoạn video ghi từ buồng lái, quay cảnh phi công trực thăng Mỹ xả súng vào hai phóng viên Reuters vì tưởng nhầm họ là quân nổi dậy. Cùng năm, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài. Từ đó tới nay, WikiLeaks vẫn chưa dừng việc công bố các tài liệu tuyệt mật. Giới truyền thông bảo thủ lúc bấy giờ kêu gọi truy tố Assange. Bình luận viên Jeffrey Kuhner trong một bài viết trên Washington Times thậm chí gợi ý rằng chính quyền Mỹ nên ám sát Assange. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James R. Clapper Jr. cáo buộc Assange gây nguy hiểm cho nhiều sinh mạng con người, đặc biệt là những nhân viên tình báo Mỹ làm việc ở nước ngoài. Gần đây nhất, hồi cuối năm 2015, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Mac Thornberry, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nhấn mạnh Wikileaks đã "tiếp tay cho kẻ thù hàng đầu" của Mỹ và gây ra thiệt hại "khổng lồ" đối với quốc gia. |