Ông Triệu Lập Kiên: Hội đàm Mỹ-Trung nặc mùi thuốc súng

Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày hội đàm đầy tranh cãi tại TP Anchorage, bang Alaska, Mỹ hôm 19-3. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nước kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức, hãng AP đưa tin.

Đối thoại Alaska Mỹ-Trung không đi đến đâu

Tham dự cuộc hội đàm, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì.

Cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên của Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden diễn ra trong căng thẳng. Ảnh: AP

Trong suốt cuộc hội đàm, hai bên đã công khai công kích lẫn nhau trong bầu không khí căng thẳng. Mỹ cáo buộc phái đoàn Trung Quốc "cao ngạo", còn Bắc Kinh nói rằng "mùi thuốc súng nồng nặc và kịch tính" của cuộc đàm phán hoàn toàn là lỗi từ phía Mỹ.

Các cuộc gặp ở Anchorage là một phép thử mới trong mối quan hệ ngày càng trở nên rắc rối giữa hai nước, vốn đang mâu thuẫn về một loạt các vấn đề từ thương mại đến các vụ việc ở Tây Tạng, Hong Kong, Đài Loan... cũng như sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông và đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi muốn chia sẻ với Trung Quốc những quan ngại về một số hành động của họ mà chúng tôi nắm được cũng như được các đồng minh và đối tác chia sẻ. Chúng tôi cũng muốn trình bày rất rõ ràng, các chính sách, ưu tiên và thế giới quan của riêng chúng tôi nhưng chúng tôi chỉ nhận được phản ứng phòng thủ” - Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết sau khi cuộc họp kết thúc.

Trong các bình luận riêng biệt, ông Dương Khiết Trì cho biết đối thoại là cách duy nhất để giải quyết những khác biệt, nhưng ông cũng nói rõ rằng Bắc Kinh không có ý định lùi bước trong bất kỳ vấn đề nào.

Sau đó, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng ông Blinken và Sullivan đã kích động các quan chức Trung Quốc đưa ra "phản ứng nghiêm túc" sau khi các quan chức Mỹ đưa ra "các cuộc tấn công vô căn cứ" chống lại Trung Quốc.

“Chính phía Mỹ đã kích động tranh chấp ngay từ đầu, vì vậy hai bên đã nồng nặc mùi thuốc súng và kịch tính ngay từ đầu trong phần phát biểu khai mạc. Đó không phải là ý định ban đầu của phía Trung Quốc ” - ông Triệu nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban hàng ngày.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã bị rạn nứt trong nhiều năm và chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng liệu ông sẽ lùi lại hay tiếp tục quan điểm cứng rắn với Trung Quốc được thực hiện dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đàm phán căng thẳng ngay từ lúc bắt đầu

Khi Mỹ-Trung mở đầu cuộc đàm phán vào ngày 18-3, cả hai phía đã chọn phương thức đối thoại rắn để làm việc cùng nhau.

Đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Blinken thông báo nội dung cuộc gặp, nhấn mạnh sẽ nêu "mối quan ngại sâu sắc" của Mỹ về các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan cũng như các hành vi cưỡng ép kinh tế các nước và các cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ.

Đại diện phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Ảnh: AP

ông Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ đoàn kết với các đồng minh trong việc đẩy lùi chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc.

“Mỗi hành động của Trung Quốc đều đe dọa trật tự dựa trên quy tắc duy trì sự ổn định toàn cầu. Đó là lý do tại sao Mỹ không coi đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây ngay hôm nay” - ông Blinken nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đồng thời nêu quan điểm của Mỹ trong việc bảo vệ các nguyên tắc của mình.

“Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng sẵn sàng cạnh tranh không nhân nhượng. Chúng tôi sẽ luôn đứng lên bảo vệ các nguyên tắc của mình, người dân và bạn bè của chúng tôi” - ông Jake Sullivan nói ngay khi bắt đầu cuộc họp.

Đáp trả các tuyên bố mở màn của Mỹ, ông Dương Khiết Trì đã dành 15 phút cáo buộc Mỹ là nước sử dụng sức mạnh quân sự và ưu thế tài chính của mình để gây áp lực với các nước khác. 

“Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích của chúng tôi để phát triển Trung Quốc. Đó là một xu hướng không thể đảo ngược. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ không đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ người dân và bảo vệ lợi ích chính đáng của Trung Quốc" - ông Dương Khiết Trì cho biết.

Đại diện phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì. Ảnh: AP

Ông Dương cũng nhấn mạnh rằng Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan đều là những bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của họ.

Ông Dương cũng yêu cầu Mỹ ngừng thúc đẩy phiên bản dân chủ của riêng mình vào thời điểm mà bản thân Mỹ đang bị chao đảo bởi sự bất mãn trong nước. Ông cũng cáo buộc Mỹ đã không giải quyết được các vấn đề nhân quyền của chính mình nhưng lại đưa ra những tuyên bố "trịch thượng" với Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Mỹ phải thay đổi hình ảnh của chính mình và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của mình ở phần còn lại của thế giới. Nhiều người ở Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Mỹ" - ông Dương nói.

Ông Dương nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận những cáo buộc không có cơ sở từ phía Mỹ, đồng thời thêm rằng những sự việc gần đây sẽ đẩy quan hệ hai nước vào một giai đoạn khó khăn chưa từng có và làm tổn hại đến lợi ích của hai dân tộc.

Mỹ, Trung tranh cãi kịch liệt tại đối thoại Alaska
Mỹ, Trung tranh cãi kịch liệt tại đối thoại Alaska
(PLO)- Tờ South China Morning Post đưa tin phiên họp đầu tiên của cuộc đàm phán cấp cao Mỹ - Trung ở TP Anchorage, bang Alaska khởi động từ chiều 18-3 (giờ địa phương) sau một thời gian đàm phán, sắp xếp giữa hai bên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm