Theo hãng thông tấn TASS, ông Vladimir Shamanov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga trong buổi nói chuyện với báo giới ngày 14-5 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với Nga trong lĩnh vực quân sự và kinh tế, nên không có lý do gì để từ bỏ việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
“Không gì là không thể làm được. Tôi sẽ không nghĩ thay cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhưng suy luận từ những tuyên bố của ông ấy, tôi nghĩ không có lý do gì để rút lại”, ông Shamanov cho hay.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: TASS
Nhà lập pháp Nga nói tiếp: “Ngày nay ông Erdogan có liên hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiều vấn đề hợp tác trong khu vực (khu vực Trung Đông) không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn ở lĩnh vực kinh tế. Tôi nghĩ rằng ngày nay làm bạn với Nga sẽ có lợi nhiều hơn cho ông ấy thay vì loại bỏ thỏa thuận”.
Hồi đầu tháng 5, tờ Bild của Đức trích dẫn các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đăng thông tin giới chức Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch xem xét lại quyết định mua hệ thống S-400 từ Nga do suy giảm nghiêm trọng tình hình trong nước và sự mất giá của đồng lira.
Tuy nhiên, ngày 11-5, Giám đốc truyền thông của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun đã bác thông tin trên.
Đến ngày 13-5, hãng tin Bloomberg đăng thông tin Ankara đang cân nhắc hoãn việc mua hệ thống S-400 từ Nga thêm một năm nữa theo yêu cầu của Mỹ.
Trong khi đó, hãng tin Ebaa News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, nước này đã nhận được đề xuất mới hấp dẫn từ Mỹ về việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không Patriot thay vì S-400 của Nga.
"Sau nhiều giai đoạn đàm phán khác nhau về hệ thống phòng không Patriot, Mỹ đã đưa ra cho chúng tôi một đề xuất mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa mà chúng tôi cần. Các bộ phận và chuyên gia của chúng tôi hiện đang tham gia đánh giá chi tiết về đề xuất này. Ngay khi công việc này kết thúc, chúng tôi sẽ lập tức thông báo kết quả cho các đồng nghiệp Mỹ", ông Akar nói.
Tuy nhiên một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định lập trường của Ankara là không rút lại thỏa thuận S-400.
“Chúng tôi sẽ mua S-400 vào tháng 7. Lập trường của chúng tôi là không thay đổi”, vị quan chức nhấn mạnh. Trong khi đó, nguồn tin cho hay cuộc đàm phán về vấn đề này vẫn đang diễn ra. Thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỉ USD được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký hồi tháng 12-2017.
Về phía Nga, Trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov ngày 14-5 khẳng định không có bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc thực thi thỏa thuận chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ushakov đưa ra thông tin trên sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
“Nhìn chung, chúng tôi biết rằng Mỹ đang quyết tâm trì hoãn hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng với tôi, thỏa thuận đạt được cách đây vài tháng đang được triển khai một cách tích cực. Hiện không có bất cứ trì hoãn nào”, ông Ushakov cho hay.
Dự luật ngăn bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng kế hoạch mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp để bán tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ý định mua 100 chiếc F-35 do Lockheed Martin sản xuất. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng trước nói rằng Ankara không thể duy trì chương trình F-35 nếu vẫn quyết xúc tiến kế hoạch mua S-400.
Tiêm kích F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất được chuyển ra khỏi nhà máy. Ảnh: SPUTNIK
Theo hãng tin Sputnik,Ủy ban phân bố ngân sách Hạ viện Mỹ cho hay các nhà lập pháp Mỹ ngày 14-5 đã soạn thảo một dự luật chi tiêu quốc phòng, trong đó sẽ cấm bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn việc công nghệ Mỹ bị phơi bày trước các hệ thống của Nga.
Dự luật do Ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ viện Mỹ công bố cấm sử dụng tiền từ ngân sách liên bang để giao máy bay F-35 hay bất kỳ thiết bị hệ thống vũ khí F-35 nào khác cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Quốc hội Mỹ thường sử dụng quyền kiểm soát chi tiêu của chính phủ liên bang để tác động đến chính sách bằng cách cấm sử dụng tiền.
Trong trường hợp chuyển giao máy bay F-35, dự luật đề xuất không cho phép bất kỳ chi tiêu nào liên quan đến việc vận chuyển máy bay, ví dụ như các khoản chi để mua nhiên liệu hoặc phi công điều khiển máy bay từ Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều khoản liên quan đến máy bay F-35 là một phần nhỏ trong dự thảo ngân sách chi tiêu trị giá 690 tỉ USD dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Dự luật sẽ được đưa ra xem xét tại phiên họp ngày 15-5 của tiểu ban phân bổ ngân sách của Hạ viện Mỹ.
Tuy nhiên, để có thể được triển khai trên thực tế, dự luật cần phải được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, sau đó được Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
Dự luật trên đưa ra sau khi truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua tiêm kích Su-57 của Nga nếu bị Mỹ từ chối cung cấp F-35.
Giống như các đồng minh NATO khác của Washington, Ankara vừa là khách hàng tiềm năng vừa là đối tác tham gia sản xuất F-35. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng kế hoạch mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tổn hại an ninh của tiêm kích F-35.
Tranh cãi này đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Washington và Ankara.