Việc phát triển tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm JL-3 được coi là một trong 10 thành tựu khoa học hàng đầu của Trung Quốc, báo South China Morning Post đưa tin.
Kết quả nghiên cứu - phát triển của đội ngũ phát triển tên lửa "cỡ lớn, mang nhiên liệu rắn và được phóng từ dưới mặt nước" JL-3 đã được công nhận tại Giải thưởng Sáng tạo Quốc gia của Trung Quốc năm 2020.
Trước đó, Trung Quốc không công nhận việc đang phát triển JL-3 nhưng đến tháng 8-2019, hải quân Trung Quốc xác nhận đang thử nghiệm tên lửa này.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã nhiều lần phóng thử JL-3 vào các năm 2018 và 2019.
Hình ảnh từ một vụ phóng thử tên lửa JL-3. Ảnh: SCMP
Tên lửa JL-3 được cho là có tầm bắn hơn 12.000 km, có nghĩa là khi được phóng từ bờ biển Trung Quốc thì JL-3 cũng có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh phát triển JL-3 là động thái đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc là mục tiêu trong chiến lược răn đe của Mỹ.
Tên lửa này có thể được trang bị trên tàu ngầm thế hệ mới Type 096 (lớp Đường) của hải quân Trung Quốc vào năm 2025. Trong lần thử gần đây nhất (tháng 12-2019), JL-3 được phóng từ tàu ngầm hạt nhân Type 094 (lớp Tấn).
Một số công nghệ khác được vinh danh tại lễ trao giải lần này là động cơ tên lửa vũ trụ vượt siêu thanh hay hệ thống phương tiện tương tác tốc độ cao hoạt động ngoài vũ trụ.
Giải thưởng Sáng tạo Quốc gia của Trung Quốc được trao định kỳ ba năm/lần, bắt đầu từ năm 2017. Năm 2017, giải được trao cho hệ thống định vị Bắc Đẩu, tên lửa đẩy Trường Chinh-5, hệ thống điện tử tích hợp trên tàu chiến của hải quân Trung Quốc...