Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) ngày 27-7 đã đăng bài viết liên quan đến các nỗ lực của Trung Quốc nhằm "dân sự hóa" các tranh chấp tại Biển Đông.
Bài viết đề cập đến một thực tế: hoạt động trồng rau của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo thông tin từ Hải quân Trung Quốc, hơn 750 kg rau xanh gần đây đã được thu hoạch trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Đây là kết quả của quá trình Trung Quốc thí nghiệm canh tác trên bề mặt cát, theo cách trộn lẫn dung dịch cellulose với cát để biến thành đất trồng trọt.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và biến thành một tiền đồn quân sự. Ảnh: LOWYINSTITUTE
Trung Quốc cho biết hình thức canh tác trên sẽ giải quyết nhu cầu thực phẩm tươi sống cho binh sĩ nước này đồn trú trên đảo Phú Lâm. Theo các số liệu được tiết lộ công khai gần đây của Trung Quốc, trên đảo Phú Lâm hiện có khoảng 1.000 người sinh sống, trong đó khoảng 3/4 là quân nhân, còn lại là gia đình của họ và một số dân chài.
Đằng sau việc Trung Quốc có ý đồ "dân sự hóa" Biển Đông
Bài viết của CSIS đã đưa ra một số đánh giá về ý đồ thật sự của Trung Quốc đằng sau nỗ lực "dân sự hóa" Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc có thể tăng cường sự hiện diện mà không cần trực tiếp sử dụng đến các biện pháp quân sự vốn được coi là các hoạt động hung hăng, phù hợp với chính sách "láng giềng tốt" và thuyết "trỗi dậy hòa bình" của nước này.
Thứ hai, một số cơ sở như trạm chứa hay cơ sở hậu cần trên đảo Phú Lâm, bất chấp các tiện ích dân sự rõ ràng của chúng, sau này vẫn có thể được tận dụng phục vụ các mục đích quân sự. Trung Quốc đang áp dụng hình thức lưỡng dụng này đối với hầu hết các công trình dân sự trên các thực thể do nước này chiếm đóng trái phép tại Biển Đông.
Thứ ba, điều này thường ít tốn kém hơn so với cách tiếp cận quân sự thuần túy để chứng minh sự kiểm soát của Trung Quốc đối với hòn đảo.
Thứ tư, chiến thuật dân sự hóa phục vụ các mục đích tuyên truyền của Trung Quốc. Công chúng, đặc biệt những người không theo dõi các tranh chấp trên Biển Đông hay luật biển, có thể nhìn vào sự hiện diện dân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm mà tưởng rằng nước này có quyền lịch sử và kiểm soát tại các đảo mà thực ra nước này đang chiếm đóng trái phép.
Mưa dầm thấm lâu
Chiến thuật này đã được Trung Quốc sử dụng cả thập niên qua nhằm dần “dân sự hóa” Biển Đông, mà mức độ ngày càng tăng.
Trung Quốc đã thành lập cái gọi là TP Tam Sa trên đảo Phú Lâm hồi năm 2012. Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu ngang nhiên cho phép khách du lịch ra thăm Hoàng Sa. Tháng 6-2014, Trung Quốc tự tiện thông báo xây dựng một trường mẫu giáo và một trường tiểu học trên đảo Phú Lâm. Tháng 9-2014, Trung Quốc tự tiện mở tuyến du lịch chính thức bằng tàu từ Hải Nam đi Hoàng Sa, với khoảng 200 hành khách, chủ yếu là các quan chức chính quyền.
Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép trạm chứa và các tuyến ống nước trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc cũng giới thiệu nhà máy khử mặn đầu tiên trên đảo hồi năm 2016, rạp chiếu phim đầu tiên năm 2017 cũng như mạng lưới điện thông tin điều khiển từ xa năm 2018, một cơ sở hậu cần năm 2019 và giờ là thành công canh tác trên cát đầu tiên.
Phản ứng của Việt Nam
Hoạt động canh tác của Trung Quốc và chiến thuật dân sự hóa nói chung có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Tháng 5 vừa qua, ngay sau thông báo của quân đội Trung Quốc về việc nước này trồng và thu hoạch rau bằng "công nghệ mới" ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ trích việc canh tác là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Hồi tháng 6, với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh sự quan ngại về các sự cố nghiêm trọng xảy ra tại Biển Đông, qua đó thúc đẩy một lập trường mạnh mẽ hơn về Biển Đông.
Nếu sự tin cậy với Trung Quốc tiếp tục suy giảm, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy hướng đi này.