Truyền thông Trung Quốc bác bỏ thông tin binh sĩ bị Ấn Độ bắt giữ ở biên giới

Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ thông tin rằng binh lính nước này đã bị quân đội Ấn Độ giam giữ, tờ South China Morning Post ngày 10-10 đưa tin.

Trích dẫn một nguồn tin quân sự, tờ China Daily cho biết việc binh lính Trung Quốc bị giam giữ vì vượt qua Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC), được phản ánh trong báo cáo truyền thông Ấn Độ, là "hoàn toàn bịa đặt và không đúng sự thật".

Theo tờ báo, quân đội Trung Quốc, vào thời điểm xảy ra vụ việc, đang hoạt động ở khu vực Dongzhang thuộc về phía Trung Quốc của LAC.

Truyền thông Trung Quốc phản bác thông tin binh sĩ bị Ấn Độ bắt giữ ở biên giới. Ảnh: AFP

Truyền thông Ấn Độ tuần trước đưa tin một số binh sĩ Trung Quốc đã bị giam giữ trong vài giờ sau một cuộc ẩu đả gần Yangtse ở khu vực Tawang của tỉnh Arunachal Pradesh.

Tờ The Hindu dẫn lời một nguồn tin cho biết "vụ đụng độ xảy ra do các bên có quan điểm khác nhau về một khu vực đã được phân định ở LAC".

“Một số binh sĩ Trung Quốc bị giam giữ trong vài giờ trước khi vụ việc được giải quyết ở cấp chỉ huy quân sự địa phương” – tờ báo đưa tin.

Tuy nhiên, các nguồn tin chính thức khác nói với tờ Hindustan Times rằng không có binh sĩ nào bị giam giữ hoặc có thiệt hại về cơ sở hạ tầng trong vụ việc.

Theo China Daily, các binh sĩ Trung Quốc đã có biện pháp đối phó sau khi bị cản trở và quay trở lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tờ báo dẫn nguồn tin nói rằng các binh sĩ Trung Quốc vẫn ở trong lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời cho rằng “việc lực lượng biên phòng Trung Quốc tổ chức tuần tra trên lãnh thổ của họ là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp”.

Theo nguồn tin này, phía Ấn Độ đã “cố tình khiêu khích và bôi nhọ [phía Trung Quốc], đồng thời vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận song phương”.

“Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ. Phía Ấn Độ nên nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận song phương, kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế quân đội tiền tuyến của mình, đồng thời hợp tác với quân đội Trung Quốc để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới” – nguồn tin cho hay.

Trong khi đó, tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc đã chỉ trích các báo cáo truyền thông Ấn Độ là “đáng khinh bỉ”, đã thổi phồng hoạt động tuần tra định kỳ của Trung Quốc như một “tin tức lớn”.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, PLA Daily cho rằng truyền thông Ấn Độ nên có tính chính trực hơn.

“Trong những năm gần đây, truyền thông Ấn Độ dường như có sở thích đặc biệt trong việc bịa đặt và thổi phồng các vấn đề biên giới Trung-Ấn, và họ đã làm tăng bầu không khí căng thẳng và kích động tinh thần dân túy theo thời gian".

Theo PLA Daily, tình hình biên giới Ấn-Trung đang phát triển theo chiều hướng "có thể kiểm soát và có trật tự".

Theo South China Morning Post, Tawang từ trước đến nay là điểm nóng xích mích giữa hai quốc gia. Trung Quốc tuyên bố phần đông bắc của tỉnh Arunachal Pradesh là một phần của Tây Tạng.

Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục giao tranh tại LAC ở phía đông khu vực Ladakh kể từ tháng 5-2020, mặc dù hai bên đã rút quân khỏi khu vực nhạy cảm Pangong Tso và khu vực Gogra sau một loạt đàm phán quân sự và ngoại giao.

Tháng 6-2020 đã xảy ra vụ ẩu đả chết người tại Thung lũng Galwan, vụ việc đã cướp đi sinh mạng của 20 binh sĩ Ấn Độ và bốn binh sĩ Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc sẽ sớm tổ chức vòng đàm phán cấp Tư lệnh Quân đoàn lần thứ 13 ở phía đông Ladakh, trong đó trọng tâm có thể sẽ là việc giải tán binh lính tại khu vực Hot Springs.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm