Ngày 8-6 (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các nghị sĩ Dân chủ dẫn đầu là một nhóm nghị sĩ da màu đã đề xuất lên Quốc hội Mỹ dự luật Công lý ở Cảnh sát, nhằm cải cách hoạt động cảnh sát, chấm dứt tình trạng cảnh sát sử dụng bạo lực và phân biệt chủng tộc.
Nhiều hạn chế với cảnh sát
Dự luật dài 134 trang đề xuất nhiều quy định, trong đó có cho phép các nạn nhân của tình trạng bị đối xử bạo lực, không đúng mực khởi kiện cảnh sát; cấm cảnh sát dùng biện pháp kẹp cổ khi khống chế nghi phạm; yêu cầu cảnh sát sử dụng máy quay; hạn chế cảnh sát dùng vũ lực chết người; tạo điều kiện cho các cuộc điều tra độc lập về các trụ sở cảnh sát có xảy ra chuyện lạm dụng bạo lực.
Dự luật không kêu gọi cắt tiền với các sở cảnh sát hay giải tán lực lượng cảnh sát như một bộ phận người biểu tình đang đòi hỏi. Tuy nhiên các nghị sĩ kêu gọi thay đổi các ưu tiên cung cấp tiền.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (áo đỏ) và các hạ nghị sĩ Dân chủ quỳ gối trước phiên họp ngày 8-6 nhằm đề xuất dự luật cải cách hoạt động cảnh sát. Ảnh: REUTERS/ Jonathan Ernst
Các nghị sĩ Dân chủ hy vọng dự luật sẽ được Hạ viện (do đảng Dân chủ chiếm đa số) xem xét trước cuối tháng 6. Nhưng chưa rõ việc xem xét ở Thượng viện (do đảng Cộng hòa chiếm đa số) sẽ được tiến hành thế nào với kết quả ra sao.
Theo nhiều nhà quan sát, dự luật khó có thể qua được cửa Thượng viện, mà dù có qua được thì các liên đoàn cảnh sát sẽ phản đối mạnh.
Động thái của các nghị sĩ Dân chủ diễn ra hai tuần sau khi một cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ người đàn ông da màu George Floyd đến chết ở TP Minneapolis, bang Minnesota ngày 25-5.
Ngày 8-6 tại TP Minneapolis, viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin lần đầu tiên ra trình diện tòa án với cáo buộc giết ông Floyd. Thẩm phán phiên tòa đưa ra mức bảo lãnh một triệu USD (kèm một số điều kiện) hoặc 1,25 triệu USD (không kèm điều kiện) với nghi can.
Các điều kiện đi kèm là nộp lại súng, không làm việc trong ngành cảnh sát hay an ninh hay lực lượng nào tương tự, không được có liên lạc với gia đình ông Floyd.
Biểu tình đã giảm và hòa bình hơn
Ngày 8-6 các sự kiện tưởng niệm người da màu Floyd diễn ra ở nhiều nơi khắp nước Mỹ.
Tại TP Houston (bang Texas) – quê nhà ông Floyd, hàng ngàn người kéo đến một nhà thờ tưởng niệm ông.
Tại TP Los Angeles (bang California), một lễ tang được tổ chức với một đoàn xe diễu hành qua các con đường trung tâm TP. Tại TP Memphis (bang Tennessee), lễ tưởng niệm cũng diễn ra trong yên bình.
Tại các địa phương, người tham gia tưởng niệm ông Floyd được yêu cầu mang khẩu trang và đứng ra nhau 2 m. Ông Floyd sẽ được chôn cất vào ngày 9-6 (giờ địa phương) tại TP Houston.
Thượng nghị sĩ, cựu ứng viên tổng thống Cộng hòa Mitt Romney xuất hiện cùng đoàn người biểu tình ở thủ đô Washington DC ngày 7-6. Ảnh: REUTERS
Từ cuối tuần rồi nhiều lãnh đạo các địa phương ở Mỹ đề nghị người biểu tình đi xét nghiệm COVID-19. Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm cảnh báo lực lượng cảnh sát bỏ biện pháp dùng hơi cay giải tán để biểu tình vì việc này chỉ làm nghiêm trọng hơn tình trạng lây lan COVID-19.
Theo các chuyên gia, hơi cay kích thích người biểu tình ho, la hét – vô tình lan truyền các giọt bắn có thể mang mầm bệnh từ người này sang người khác.
Hơi cay cũng có thể sẽ khiến người biểu tình dù có mang khẩu trang nhưng cũng sẽ tháo nó xuống vì ngạt thở, sẽ đưa tay dụi mắt dụi mũi vì cay, và làm tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng hơn.
Hơn nữa tình trạng miệng, mũi, và phổi bị tổn thương do hơi cay sẽ khiến cơ thể càng dễ nhiễm bệnh hơn.
Hiện đã có hơn 1.000 người – trong đó có nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm và chuyên gia sức khỏe công cộng – đã ký một đơn thỉnh cầu các chính quyền địa phương ngừng sử dụng hơi cay trong đối phó biểu tình.
Không những Mỹ tính chuyện buộc cảnh sát bỏ kỹ thuật khống chế kẹp cổ mà tại Pháp, ngày 8-6, Bộ trưởng Nội vụ nước này Christophe Castaner cũng cho biết cảnh sát Pháp không còn được cho phép dùng kỹ thuật này trong khống chế bắt nghi phạm. Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau nói ông muốn cảnh sát khắp nước mang máy quay trên cơ thể trong khi làm nhiệm vụ để tăng tính giám sát, hạn chế tình trạng lạm dụng bạo lực. Ngày 5-6, ông Trudeau đã tham gia quỳ gối cùng người biểu tình trước trụ sở Quốc hội và kêu gọi có hành động quyết liệt giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống với người da màu và người bản địa ở Canada. |