Xung đột Nga - Ukraine: Mỹ chỉ trích

Ngày 1-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ trước Quốc hội với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan chính sách đối nội và đối ngoại trong thời gian tới. Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, gây tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội. Ảnh: CNBC

Mỹ không gửi quân tới Ukraine nhưng sẽ siết trừng phạt Nga

sự kiện đáng chú ý nhất hiện nay nên không có gì ngạc nhiên khi ông Biden đưa thẳng các bình luận về tình hình Nga - Ukraine vào đầu bài phát biểu. Nhà lãnh đạo Mỹ cứng rắn chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và cho rằng Moscow đã tính toán sai khi nghĩ là Mỹ và các đồng minh sẽ ngồi yên.

“Tổng thống Vladimir Putin nghĩ rằng phương Tây và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ không phản ứng. Ông ấy nghĩ rằng có thể chia cắt chúng ta nhưng ông Putin đã sai. Chúng ta đã sẵn sàng. Dù Nga có giành được lợi thế trên chiến trường thì họ cũng sẽ phải trả giá liên tục trong thời gian dài” - chủ nhân Nhà Trắng khẳng định.

Tổng thống Biden cũng tiếp tục ca ngợi sự đoàn kết của toàn thế giới, từ châu Âu đến châu Á, khi đối mặt với các phát ngôn và hành động đe dọa từ Moscow. Ông khẳng định mặt trận gắn kết này đang “gây đau đớn cho Nga và hỗ trợ người dân Ukraine”, đồng thời “cắt đứt quyền tiếp cận của Nga với công nghệ”. “Đây sẽ là động lực quan trọng nhất làm suy yếu sức mạnh kinh tế và làm suy yếu quân đội Nga trong nhiều năm tới” - chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố.

Về bổ sung các biện pháp trừng phạt Nga, ông Biden cho biết Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào giới tinh hoa và siêu giàu Nga. Bộ Tài chính nước này đang trong quá trình thiết lập một đội đặc nhiệm phối hợp cùng nhân lực từ một số nước châu Âu khác để truy tìm và phong tỏa tài sản, bất động sản của các nhân vật nói trên. Một động thái khác cũng được ông Biden đề cập là Mỹ sẽ cùng đồng minh đóng cửa không phận với các máy bay Nga, nhằm tăng thêm sức ép đáng kể lên nền kinh tế nước này.

“Đồng rúp tới lúc này đã mất 30% giá trị, trong khi thị trường tài chính Nga sụt giảm 40% và các hoạt động giao dịch bị đình trệ. Nền kinh tế Nga đang suy kém và ông Putin là người chịu trách nhiệm chính” - ông Biden khẳng định. Từng câu phát biểu của ông Joe Biden ở phần này đều đã được đáp lại bằng các tràng vỗ tay rất lớn từ phía các nghị sĩ và khách mời tham dự.

Ông cho biết Mỹ và đồng minh cam kết tiếp tục duy trì hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, bên cạnh số tiền 1 tỉ USD chuẩn bị gửi trực tiếp cho chính quyền Kiev. Dù vậy, ông cũng thông tin là sẽ không tung các lực lượng Mỹ vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine mà sẽ chỉ tới châu Âu để bảo vệ các đồng minh NATO nếu Nga tiếp tục đà tiến quân về phía tây. Hiện Washington đã điều động các lực lượng bộ binh, không quân và tàu chiến tới để bảo vệ các nước NATO bao gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia.

 

Cuối bài phát biểu, ông Biden kết thúc bằng lời kêu gọi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hợp tác với nhau, dừng chính trị hóa các vấn đề trong nước và cùng nhau xây dựng đất nước như là những người Mỹ với nhau. “Chúng ta không thể thay đổi việc mình đã chia rẽ thế nào nhưng chúng ta có thể thay đổi cách tiến về phía trước” - ông Biden chia sẻ.

Xúc tiến nỗ lực khôi phục kinh tế Mỹ

Về tình hình đối nội, ông Biden cho biết gói kích thích kinh tế 1.900 tỉ USD được tung ra hồi năm ngoái đã thành công, giúp hàng triệu người dân Mỹ chống chọi được những tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, hỗ trợ tạo thêm 6,5 triệu việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 5,7% - mức tăng cao nhất trong gần 40 năm.

Theo Tổng thống Biden, sau hai năm chìm trong dịch bệnh, nước Mỹ giờ đây đã có thể nối lại nhiều hoạt động một cách an toàn khi số ca nhiễm bệnh đã giảm xuống đáng kể, hơn 75% người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ và nhiều hạn chế được nới lỏng. Mỹ giờ đã có thể chấm dứt việc đóng cửa các trường học và doanh nghiệp vì đã có những công cụ cần thiết. Nước này cũng đã bước sang một giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 và Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận sống chung với COVID-19 mà sẽ tiếp tục chiến đấu với nó giống với các loại virus khác.

Về tình trạng lạm phát cao đang gây lo ngại cho nền kinh tế Mỹ, ông Biden khẳng định đã có kế hoạch gia tăng số lượng hàng hóa sản xuất trong nước, củng cố chuỗi cung ứng, cải thiện tốc độ và giảm giá thành vận chuyển hàng hóa, giảm giá cả chi tiêu hằng ngày của các gia đình lao động và thu hẹp thâm hụt. Ông cũng cam kết sẽ ban hành thêm những quy định mới thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để giảm giá thành, giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời loại trừ các hàng rào tiếp cận những công việc được trả lương cao đối với người lao động ở Mỹ.

Ông Biden khẳng định kế hoạch xây dựng lại tốt hơn của ông chính là nhằm gia tăng sức khỏe năng lực sản xuất của nền kinh tế Mỹ. “Với cách đó, các công ty có thể làm ra các sản phẩm rẻ hơn và nhanh hơn khi không còn phải lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài” - nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.

Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng cũng đề cập các giải pháp nhằm giảm tỉ lệ tội phạm thông qua giảm các hoạt động mua bán súng đạn, tăng ngân sách cho các cơ quan thực thi pháp luật để xử lý tội phạm bạo lực, tăng cường các hoạt động can thiệp trong cộng đồng, mở rộng cơ hội việc làm cho thanh thiếu niên và giúp những người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.•

Dư luận phản ứng ra sao với bài phát biểu của ông Biden?

Theo khảo sát của đài CNN, hầu hết người theo dõi ông Biden phát biểu đều có phản ứng tích cực với nội dung thông điệp liên bang đầu tiên của ông. Cụ thể, 41% số người đã theo dõi có phản ứng rất tích cực với những gì ông Biden nêu ra, 29% phản ứng tích cực và chỉ 29% phản ứng tiêu cực với bài phát biểu.

Về phía Nga, khi được hỏi về bài phát biểu của ông Biden trong cuộc tiếp xúc báo chí hôm 1-3, phát ngôn viên điện Kremlin cho hay ông Putin không có thói quen xem các bài phát biểu trên TV nên nhiều khả năng sẽ không theo dõi người đồng cấp Mỹ nói gì. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước lúc ông Biden đọc thông điệp liên bang đã nêu kỳ vọng là nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra thông điệp mạnh mẽ và “hữu ích” về chiến dịch quân sự của Nga trong bài phát biểu. Tổng thống Ukraine cũng nhắc lại lời kêu gọi Mỹ và NATO thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm