Quỹ bình ổn xăng dầu đã 'âm' hơn 620 tỉ

Ngày 13-6, Bộ Tài chính phát đi thông báo về tình hình trích lập sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) Quý I/2019.

Theo đó, thông tin chi tiết của Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31-12-2018 là hơn 3.504 tỉ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong Quý I/2019 là hơn 1.659 tỉ đồng; tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý I/2019 là hơn 5.787 tỉ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong Quý I/2019 là hơn 3,4 tỉ đồng.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết: số dư Quỹ BOG đến hết Quý I/2019 là: “-620,643” tỉ đồng.

Hồi tháng 4-2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.

Theo các doanh nghiệp, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Do đó, VINPA cho rằng, khi bỏ Quỹ Bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.    

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói với PLO : “Tôi từ lâu rồi đã phản đối sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá. Không có một đất nước nào lại có cái “bình ổn” như vậy. Thị trường không cần bình ổn. Sự “lên xuống” của giá cả là đặc trưng của thị trường. Thị trường xăng dầu thế giới hiện nay rất cạnh tranh trong khi chúng ta chủ yếu là nhập khẩu xăng, dầu”.

TS Cung đặt câu hỏi: “Quỹ bình ổn này, một cách gián tiếp, lại đi bình ổn giá thế giới hay sao? Trong khi đó, ngay cả việc Quỹ này được sử dụng thế nào, mang lại lợi ích cho ai, cho người tiêu dùng hay cho các doanh nghiệp đầu mối vẫn là điều cần xem xét”.

Theo TS Cung: Giá xăng, dầu trên thị trường thế giới nếu theo dõi sát sao sẽ thấy nó lên xuống rất rõ ràng, minh bạch. Nhưng ở Việt Nam, giá xăng dầu chỉ có lên, còn xuống thì lại rất nhỏ giọt. “Có lẽ, cách chúng ta “bình ổn” giá xăng, dầu cũng là một nguyên nhân”, TS Cung nhận định.

Còn nhớ, cuối tháng 3-2018, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định: “Việc điều hành giá xăng dầu đã được thực hiện chủ động, linh hoạt giúp giá xăng dầu trong nước tương đối ổn định trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao”.

Đối với xăng dầu, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm