Hôm nay (29-10), QH bàn về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực theo Nghị quyết 18 của trung ương.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự thảo luật này.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói dự thảo luật lần này đề xuất quy định chỉ cần có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam thì có thể trở thành ĐBQH.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau ba năm thi hành Luật Tổ chức QH 2014 (có hiệu lực từ 1-1-2016) đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH… nhưng cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
“Lần sửa đổi này chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ, những vấn đề đã chín muồi, có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của trung ương và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật.
Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc chưa đánh giá hết được tác động khi thực thi thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi, bổ sung vào thời gian thích hợp” - ông Phúc cho hay.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH xác định chỉ sửa 15/120 điều của Luật Tổ chức QH hiện hành.
“Bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH tại Điều 22 của Luật Tổ chức QH để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật quy định ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” - ông Phúc trình bày.
Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày không đề cập đến đề xuất sửa đổi này.
Theo ông Phúc, có ý kiến đề nghị cần sửa quy định về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng Luật Tổ chức QH đã quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH.
Quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số ĐBQH hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỉ lệ nói trên, nên đề nghị không sửa đổi, bổ sung quy định về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trong luật hiện hành.
Nếu dự luật này được thông qua thì dự thảo luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2021.
“Tỉ lệ cụ thể ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn nhân sự thực tế” - ông Phúc cho hay.
Ủy ban Pháp luật của QH khi thẩm tra cũng tán thành với đề xuất sửa đổi, bổ sung này.
Các điểm đáng chú ý trong sửa Luật Tổ chức QH lần này liên quan đến những quy định về Đoàn ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác.
Nếu được QH thông qua, dự thảo luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2021, thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ QH khóa XV.
Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự luật cũng tán thành với các đề xuất trên.